Hiệu quả tích cực

"Việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo ASXH, hạn chế tín dụng đen, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội".

Đó là đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương đề cập trong báo cáo thông tin chuyên đề tình hình vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị 40-CT/TW.

ngân hàng.jpg
Tính đến 30/6/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng

Theo Ban Kinh tế Trung ương, nhìn chung, vốn tín dụng chính sách đã được người vay sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn, đem lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, nhiều tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tham gia tiền gửi tổ viên thông qua tổ TK&VV.

Tính đến 30/6/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 174.975 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Tổng doanh số cho vay đạt 605.167 tỷ đồng, với hơn 18.614 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ đạt 428.822 tỷ đồng, bằng 71% doanh số cho vay. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,17%. Tại nhiều địa phương, số xã không có nợ quá hạn chiếm tỷ lệ cao.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến được 100% xã, phường, thị trấn, trong đó tập trung ưu tiên vùng đồng bào DTTS&MN, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển với 18,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn; giúp hơn 2,8 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,3 triệu lao động, trong đó gần 42 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 514 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11,5 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh và hơn 181 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Còn nhiều hạn chế, khó khăn

Theo báo cáo của Ban KInh tế, một số tỉnh ủy chưa ban hành văn bản triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW17; Chính sách tín dụng ưu đãi chưa theo kịp nhu cầu vay vốn thực tế; một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay, mức cho vay chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vay vốn.

Báo cáo đánh giá: Mặc dù, hiện nay hộ có mức sống trung bình đã được tiếp cận một số chính sách tín dụng ưu đãi tại NHCSXH như: cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.., nhưng các chính sách này chưa bao phủ hết các đối tượng có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, trong khi trên thực tế nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi của đối tượng này rất lớn; chưa có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn để xây dựng, sửa chữa.

Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch nguồn vốn một số chương trình tín dụng chính sách mới tại địa phương theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 chưa sát với nhu cầu thực tế. NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách tại một số thời điểm còn hạn chế, chưa kịp thời; một số chương trình tín dụng đã được ban hành nhưng chưa được bố trí nguồn vốn ổn định để thực hiện”.

Một số tỉnh còn chậm triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện việc bố trí, huy động nguồn vốn tín dụng chính sách trong quyết định đầu tư công, các CTMTQG và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030

Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu sử dụng cho vay trung, dài hạn (dư nợ trung, dài hạn chiếm 99,4%) với một số chương trình có thời hạn cho vay dài, tối đa đến 25 năm; nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân; nguồn vốn thu hồi tại các xã ra khỏi vùng khó khăn lớn không cho vay quay vòng được.

Nguồn vốn có thời hạn dài trên 5 năm chiếm 41,8%, nguồn vốn ngắn hạn chiếm 58,2%. Nguồn vốn do NSNN cấp chiếm tỷ trọng thấp (chiếm 14,3%), trong khi nguồn vốn huy động từ thị trường chiếm tỷ trọng cao (67,2%) và không ổn định, tạo áp lực về khả năng thanh khoản. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, trong một số năm gần đây, tối đa chỉ được phát hành bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn. Nguồn vốn ủy thác từ NSĐP tại một số tỉnh còn thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước.

Nguồn tiền huy động được từ Cuộc vận động vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách mà chưa chuyển qua cho NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội chưa nhiều. Chủ trương tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ NSNN vào đầu mối là NHCSXH chưa được thực hiện đầy đủ.

Công tác điều tra, xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương còn chậm, có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm chậm tiến độ giải ngân các chương trình; Chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của tổ TK&VV tại một số địa bàn còn hạn chế, đặc biệt quản lý biến động đối tượng vay vốn. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp hội, đoàn thể đôi khi còn hình thức, chưa thường xuyên, chất lượng chưa cao.

Kiến nghị đối với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị chỉ đạo Quốc hội rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các luật có liên quan đến huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; Chỉ đạo Quốc hội xem xét, bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025 và những những năm tiếp; cho phép NHCSXH điều chỉnh linh hoạt tổng nguồn vốn cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi có nhu cầu vay vốn thấp hơn so kế hoạch giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP để chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội.

Đối với Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, ngành, Ban Kinh tế đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, kịp thời tham mưu, đề xuất xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, bổ sung một số đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội; tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tập trung nguồn lực cho các chương trình ưu tiên, tránh dàn trải; xây dựng cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ NSNN vào đầu mối là NHCSXH; hoàn thiện cơ chế xử lý nợ bị rủi ro và cơ chế quản lý tài chính đối NHCSXH.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV