Toàn tỉnh Lâm Đồng có 74 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có 47 dân tộc sinh sống. Trong đó, người đồng bào DTTS chiếm 24,9% dân số toàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 18.237 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 5,34%; trong đó hộ nghèo 6.636 hộ, chiếm tỷ lệ 1,94%; hộ cận nghèo 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4 % tổng số hộ toàn tỉnh.

Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Ban Dân tộc, các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ để tiếp cận, rà soát nhu cầu, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn. 

Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ đạt 1.964 tỷ đồng/42.692 hộ, chiếm 38,08% tổng dư nợ của Chi nhánh. Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách này đã giúp một bộ phận đồng bào DTTS chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên tự thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng.

Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều còn 11.454 hộ, chiếm 14,22% (trong đó, tổng số hộ nghèo là 4.549 hộ, chiếm 5,65%; tổng số hộ cận nghèo là 6.905 hộ, chiếm 8,57%); có 74 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; có 95,8% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2022, chương trình cho vay đối với vùng đồng bào DTTS theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 971 tỷ đồng với gần 19,5 nghìn khách hàng vay vốn.

Tính đến hết tháng 6/2023, Lâm Đồng đứng trong Top 5 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh) về tỷ lệ giải ngân các chương trình MTQG cao, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng báo DTTS và miền núi.

Theo đó, nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã triển khai có hiệu quả chương trình với tỉ lệ giải ngân cao.

Đơn cử như huyện Lâm Hà, tính đến giữa tháng 7/2023 đã có 13 công trình khởi công mới và 3 công trình chuyển tiếp; huyện đã thi công hoàn thành, giải ngân gần 5,2 tỷ đồng, bằng 90,2% kế hoạch. Ngoài ra, hiện nay, huyện đã tổng hợp danh sách 176 hộ đồng bào DTTS thuộc diện hỗ trợ nhà ở, lập hồ sơ thiết kế xây dựng 1 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bình chọn các hộ tham gia tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn, dự kiến giải ngân 100% vào tháng 11/2023. 

Tại huyện Đam Rông, năm 2022, huyện được phân bổ kinh phí gần 54,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhựa và bê - tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, mở rộng và cứng hóa các tuyến đường vào khu sản xuất; đầu tư kinh phí nạo vét kênh, mương nội đồng; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ tạo các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định, nâng cao đời sống.

Hải Yến