Suốt 9 năm, 3 lần nâng tầng lên gấp đôi

Khu đất số 5 Lê Duẩn hiện nay là tòa nhà Doji Tower được coi là “đất vàng” còn sót lại của quận Ba Đình tại khu vực này. Dự án xây dựng tòa nhà văn phòng, thương mại dịch vụ này với tổng vốn đầu tư khoảng 222 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2010 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh giấy phép nâng tầng, đến năm 2019 công trình mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Đứng tên pháp nhân xin giấy phép xây dựng là Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji là đơn vị tham gia theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, dự án số 5 Lê Duẩn ban đầu được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 91 (ngày 15/7/2010) gồm 9 tầng +1 tum thang với chiều cao 33m được xây dựng trên khu đất rộng 1.624m2.

{keywords}
Công trình Doji Tower thi công gần 10 năm trời và nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh giấy phép để nâng lên 16 tầng nổi + 3 tầng hầm (cao 63,6m) gần gấp đôi so với cấp phép ban đầu.

Trong 9 năm, công trình này đã thi công chậm tiến độ và nhiều lần xin điều chỉnh giấy phép xây dựng tại một khu vực nhạy cảm ở quận nội đô lịch sử.

Cụ thể: Năm 2014, dự án được điều chỉnh giấy phép xây dựng. Theo văn bản điều chỉnh giấy phép xây dựng số 34 (ngày 11/8/2014) của Sở Xây dựng, dự án điều chỉnh về mở rộng diện tích ở một số tầng, với tổng chiều cao công trình là 38,1m (tăng khoảng 5m).

Đến năm 2017, khi công trình xây thô đến tầng thứ 9 thì đột ngột dừng thi công và dự án tiếp tục được điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chiều cao.

Theo đó, lần điều chỉnh thứ 3 với phụ lục giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư được nâng lên tới 16 tầng nổi + 3 tầng hầm, với chiều cao công trình 63,6m. Trong khi đó, tại lần cấp phép đầu tiên, dự án này chỉ có 9 tầng nổi +1 tum thang và 3 tầng hầm, cao 33m.

Cũng phải nói thêm rằng, ngày 7/4/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 11 về "Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử". Theo quyết định này, thì phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) chỉ được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội.

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thẳng thắn cho rằng, trong “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử” đừng lợi dụng điểm nhấn đề thay đổi quy hoạch.

{keywords}
Theo "Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử", phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) chỉ được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội.

“Đã là điểm nhấn phải là công trình có giá trị văn hoá, giá thị thẩm mỹ kiến trúc tiêu biểu cho một giai đoạn, tiêu biểu cho một khu vực của đô thị. Không phải cứ cao tầng là điểm nhấn. Doji Tower tiêu biểu cho cái gì?

Thứ hai, việc điều chỉnh như vậy sẽ tạo tiền lệ chỗ nào cũng có thể điều chỉnh quy hoạch để có điểm nhấn, chạy đua điểm nhấn. Mỗi điểm nhấn coi như một điểm “xé rào” quy hoạch. Đây là điều không nên trong quy hoạch và là lỗ hổng bộc lộ những tiêu cực mà chúng ta hay gọi là lợi ích nhóm ẩn sau điều chỉnh quy hoạch” – vị Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thẳng thắn đặt vấn đề.

Cũng theo ông Tùng, Luật Đất đai có quy định rất rõ về thời gian thực hiện dự án nếu không sẽ bị thu hồi nhưng công trình Doji Tower kéo dài tới 9 năm, được thay đổi quy hoạch tới 3 lần còn được chọn làm “điểm nhấn” giữa nội đô lịch sử.

“Không ai để một công trình trong nội thành xây dựng đến gần 10 năm bởi nó ảnh hưởng đến cả khu vực ô nhiễm môi trường, gây bức xúc dư luận… Rồi trong quá trình chậm tiến độ như vậy mới nảy sinh ra việc điều chỉnh quy hoạch” – ông Tùng nói.

“Chúng ta cũng cần biết rằng chỉ cần 1m2 thôi ở những khu vực đó giá trị kinh tế như thế nào rồi cho nên việc tăng lên đến hàng ngàn mét vuông thì vấn đề đã khác đi rất nhiều. Đó là bất cập. Tôi xin nhắc lại: Không phải cứ cao tầng là điểm nhấn. Điểm nhấn phải mang nét văn hoá là đặc trưng cho cả khu vực, đô thị, thời kỳ. Đừng lợi dụng điểm nhấn để điều chỉnh quy hoạch. Thành phố cần có lý giải tại sao cho điều chỉnh công trình kéo dài 9 năm tới 3 lần?” – ông Tùng nhấn mạnh.

Xây bồn hoa tiểu cảnh trên vỉa hè

Tại toà nhà Doji Tower chủ đầu tư đã tự ý xây dựng một bồn hoa ngay trên vỉa hè chung khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

{keywords}
Sau chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tiểu cảnh bồn hoa Doji Tower vẫn chễm chệ trên vỉa tại điểm giao của ngã tư đường Lê Duẩn giao với đường Nguyễn Thái Học.

Trong khi các cơ quan chức năng từ UBND TP Hà Nội đến Sở Xây dựng đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm thì UBND quận Ba Đình lại cho rằng bồn hoa không ảnh hưởng đến giao thông và có “tác dụng ngăn người đi bộ đi xuống lòng đường tại góc ngã tư bị hạn chế tầm nhìn, nhằm đảm bảo an toàn giao thông...”, dù trước đó từ tháng 10/2019, UBND phường Điện Biên đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu chủ đầu tư công trình khắc phục hậu quả vi phạm.

Đáng lưu ý, ngay từ tháng 1/2020, UBND TP Hà Nội có văn bản về việc kiểm tra, xử lý thông tin Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji xây đài phun nước lấn chiếm vỉa hè. Trong đó nêu rõ việc xử lý theo quy định pháp luật “kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ công trình vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan khu vực”.

Mới đây, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng khẳng định: “Quan điểm ở đây vi phạm là phải xử lý”. 

Sau phản ánh của Báo VietNamNet, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đã có văn bản phản hồi liên quan đến những vấn đề tại tòa nhà Doji Tower.

Về việc công trình triển khai xây dựng trong thời gian 9 năm, Công ty cho biết nguyên nhân xuất phát khách quan.

“Do yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Sở QHKT, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố và các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát quy hoạch và các Quy chế quy định có liên quan trước khi thẩm định và phê duyệt phương án thiết kế điều chỉnh của Công ty do liên danh đề xuất” – công văn của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji nêu nguyên nhân.

Còn về việc xây bồn hoa tiểu cảnh trên vỉa hè, Công ty cho biết đang hoàn thiện phương án cải tạo chỉnh trang bồn hoa tiểu cảnh nhằm hoàn thiện đẹp hơn và phù hợp hơn với cảnh quan chung của khu vực, trình UBND quận Ba Đình xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin.

Tuấn Linh

Bồn hoa Doji Tower chiếm vỉa hè: Quận nói phù hợp, Sở Xây dựng quyết xử lý

Bồn hoa Doji Tower chiếm vỉa hè: Quận nói phù hợp, Sở Xây dựng quyết xử lý

- Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định vi phạm là phải xử lý và đã giao quận Ba Đình xử lý việc Công ty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji xây tiểu cảnh bồn hoa lấn chiếm vẻ hè trước tòa nhà Doji Tower.