Trước khi ông Vũ Đức Thuận và 4 lãnh đạo, cựu lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị bắt, đã có nhiều lãnh đạo công ty con cũng dính án, vào tù vì những sai phạm nghiêm trọng.

Trong phiên giao dịch ngày 16/9, cổ phiếu PVV của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC giảm sàn xuống 1.600 đồng/cp dù đã xuống mức giá 2.000 đồng/cp trong một thời gian dài trước đó.

Không ít nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu này sẽ còn giảm nữa khi ông Trương Quốc Dũng, chủ tịch Vinaconex - PVC hôm 15/9 bị bắt giữ và bị khởi tố trong vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - Tổng Công ty PVC (mã chứng khoán PVX) và các đơn vị thành viên.

{keywords}
Ông Vũ Đức Thuận

Ông Dũng là 1 trong 4 bị can bị khởi tố, vốn là các cựu lãnh đạo của Tổng Công ty PVC: Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC.

Trước đó, dưới thời ông Vũ Đức Thuận làm lãnh đạo, nhiều cá nhân liên quan tới PVC cũng đã bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Năm 2012, cựu Chủ tịch CTCP Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) Vũ Duy Thành cùng 14 người khác đã bị truy tố về các hành vi: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, từ tháng 11/2009 đến tháng 7/2012, Trịnh Văn Thảo (nguyên Giám đốc PVC-ME, hiện đang bỏ trốn) đã chỉ đạo các bị can là cán bộ dưới quyền rút tiền quỹ của PVC-ME và thu tiền mặt lập quỹ để ngoài sổ sách hơn 85 tỷ đồng để chi nhiều khoản cho các bị can và cá nhân.

Sau chỉ khoảng 4 năm kể từ khi được thành lập, từ mức vốn 500 tỷ đồng (PVC góp 40%), PVC-ME đã đứng ở bờ vực phá sản với lỗ tính tới giữa 2012 là gần 440 tỷ đồng, chưa kể đến một số khoản lỗ tiềm ẩn khác.

Như vậy, đến nay, ít nhất 2 nhóm lãnh đạo của Công ty mẹ - PVC và Công ty con liên quan tới PVC - ME đã bị khởi tố, nhiều người đã vào tù. Vụ án PVC cũng đã xác định được các dấu hiệu “cố ý làm trái” và đang được điều tra làm rõ.

{keywords}
Ông Trương Quốc Dũng.

Riêng với PVC, DN này đã ở trong tình trạng khó khăn suốt nhiều năm dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh và 4 lãnh đạo vừa bị bắt nói trên. Thời điểm ông Thanh luân chuyển về Bộ Công Thương khoản lỗ hợp nhất năm 2013 của PVX lên tới hơn 3 ngàn tỷ đồng.

Trên TTCK, cổ phiếu PVX từng nổi sóng với nhiều dự án nổi đình nổi đám như Tòa tháp Dầu khí với tổng đầu tư hàng trăm triệu USD. PVX góp vốn vào nhiều DN trong đó có PVP Land, PVV… Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động đầu tư dàn trải đều không có hiệu quả và thua lỗ lớn.

DN con Vinaconex - PVC dưới thời ông Trương Quốc Dũng, chủ tịch trẻ nhất trên TTCK, cũng đã có những kết quả kinh doanh thê thảm.

Từ năm 2012, doanh thu của Vinaconex - PVC đã sụt giảm một nửa so với 2011. DN này chuyển từ lãi 3 tỷ sang lỗ 48 tỷ trong năm 2012 và lỗ gần 100 tỷ trong năm 2013. Năm 2014 và 2015, Vinaconex - PVC lãi rất thấp và tiếp tục báo lỗ 18,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016.

Bảng cân đối của Vinaconex - PVC đáng lo ngại. Tổng nợ của DN này lên tới gần 1,2 ngàn tỷ, trong đó nợ ngắn hạn lên tới trên 1 ngàn tỷ, so với tổng tài sản chỉ có chưa tới 1,4 ngàn tỷ đồng.

Trên thực tế, tình trạng thất thoát và thua lỗ tại Tổng công ty PVC và DN thành viên đã kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi rời PVC, ông Trịnh Xuân Thanh được điều động về Bộ Công Thương rồi tiếp tục về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhưng không được công nhân tư cách đại biểu. Ông Trương Quốc Dũng sang làm chủ tịch của Vinaconex - PVC.

Cho đến nay, các vụ việc này mới được sáng tỏ phần nào. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Thảo, Giám đốc PVC-ME vẫn bặt vô âm tín dù bị truy nã quốc tế. Trịnh Xuân Thanh hiện đã bị kỷ luật khai trừ Đảng.

M. Hà