Trao đổi với VietNamNet sáng nay 20/4, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD-ĐT đang cho kiểm tra những thông tin phản ánh về việc này và xử lý nếu có vi phạm.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã có chỉ đạo yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên; đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký dự thi lớp 10 trong năm học này và các năm học tiếp theo.

Các trưởng phòng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng trên.

Theo Sở GD-ĐT, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.

Đã 'ồn ào' nhiều năm ở Hà Nội

Thực hư thông tin chưa thể kết luận, song nhiều người cho hay, nếu là sự thật thì là điều quá phi lý và phản giáo dục, thậm chí vi phạm pháp luật một cách thô bạo. 

“Quyền được học tập là quyền hiến định của trẻ em, được luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc ghi nhận và bảo vệ. Không lẽ lại có cái chuyện tày đình, vô pháp này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay giữa lòng Hà Nội? Đó là chưa nói tới việc, giáo dục là sứ mạng duy nhất của các trường học. Nếu cứ học sinh nào học yếu thì tìm cách đuổi đi để giữ thành tích mà báo cáo cho đẹp thì những nhà trường có để làm gì?”, FB Thái Hạo chia sẻ.

Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người cũng chia sẻ và bày tỏ sự bức xúc về biểu hiện của căn bệnh thành tích này.

Nhiều người cho hay, tình trạng này diễn ra trên thực tế, ở các trường khác nhau, qua nhiều năm, thậm chí chính gia đình mình là “nhân chứng sống”.

Theo nhiều phụ huynh, chủ đề này năm nào tới mùa tốt nghiệp, tuyển sinh lại được nhắc lại, chỉ có điều diễn ra nhỏ lẻ nên phụ huynh không lên tiếng.

Câu chuyện có điểm chung là phụ huynh được các trường nhắn tin, gọi điện và thông tin khả năng con không thi đỗ được nên “định hướng” không thi, tư vấn viết đơn tự nguyện không thi để được xét tốt nghiệp THCS.

Ảnh minh họa.

Nhiều người cho rằng, việc này nảy sinh do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục khi lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua hoặc xếp hạng các trường, còn các trường có thể cũng lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên dạy (phụ thuộc vào kết quả điểm số thi vào 10 của học sinh lớp mình dạy). 

Nhưng thay vì tính điểm bình quân bằng cách chia đều cho tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS của cả trường thì lại tính điểm bình quân bằng cách chia cho tổng số học sinh lớp 9 của trường đó dự thi vào 10 THPT. 

“Có những năm tỷ lệ học sinh khối 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của trường đạt đến 96%, nhưng cũng vì số lượng học sinh thi cao nên đương nhiên điểm bình quân thấp, thì trường cũng bị Phòng GD-ĐT nhắc nhở. Việc này cũng khó cho các trường”, hiệu trưởng một trường THCS công lập ở Hà Nội chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục Hà Nội, Bộ GD-ĐT cần lập tức xác minh và xử lý, thậm chí chịu trách nhiệm nếu có tình trạng này. 

Thiên Thanh

Vụ 'ép học sinh yếu không thi lớp 10': Phòng giáo dục gọi điện, phụ huynh nói 'không có'Đại diện các trường THCS ở Hà Nội phủ nhận thông tin về việc có động thái ngăn không cho học sinh lớp 9 có học lực yếu kém thi vào lớp 10 nhằm lấy thành tích.
Hà Nội hỏa tốc chỉ đạo vụ 'ép học sinh kém không thi lớp 10'Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải xác minh, làm rõ thông tin một số trường học trên địa bàn ép học sinh kém không thi vào lớp 10, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm nếu có.
Xôn xao vụ 'ép học sinh kém không dự thi lớp 10': Bộ Giáo dục lên tiếngBộ GD-ĐT đang xác minh thông tin một số trường học yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 THPT.