Việc ban thường vụ tỉnh ủy Thái Nguyên giới thiệu một nhân sự đã hết tuổi vào vị trí phó chủ tịch UBND tỉnh để HĐND bầu là điều không công bằng.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng ban tổ chức TƯ có quan điểm về việc hàng loạt giám đốc Sở ở Thái Nguyên làm đơn xin nghỉ chờ hưu theo các thông báo và kết luận liên quan của ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh này.
Trước đó, các giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN&PTNT, chánh văn phòng tỉnh ủy, giám đốc trường Chính trị Thái Nguyên đã làm đơn xin “nghỉ chờ hưu”.
Một giám đốc sở đã nghỉ nói họ không “tự nguyện” làm đơn mà việc làm đơn này xuất phát từ một kết luận của ban thường vụ tỉnh ủy ngày 3/8 về một số chủ trương chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020.
Điều đáng nói, khi các giám đốc sở này có đơn xin nghỉ chờ hưu thì các sở này lập tức có giám đốc mới. Trong khi đó, ngày 3/7, ban thường vụ tỉnh ủy Thái Nguyên đã thống nhất giới thiệu một nhân sự đã hết tuổi được cơ cấu vào vị trí phó chủ tịch UBND tỉnh để HĐND tỉnh bầu giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những thông tin trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng chức danh giám đốc sở phải là nhân sự nằm trong ban chấp hành đảng bộ tỉnh.
Việc các giám đốc sở ở Thái Nguyên làm đơn xin nghỉ chờ hưu là không có gì đặc biệt. Vì có chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó ban tổ chức TƯ, cho rằng có thể tỉnh ủy Thái Nguyên đã vận dụng Chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị (về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng) trong vấn đề này.
Theo đó, những người còn dưới 30 tháng công tác thì không tái cử. Và việc các giám đốc sở này xin nghỉ chờ hưu cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên, theo ông Hương, các tỉnh khác thực hiện Chỉ thị 36 theo cách ai không tái cử thì tiếp tục giữ chức giám đốc, sau đó nhân sự được dự kiến nếu trúng vào tỉnh ủy thì mới bổ nhiệm.
“Làm như Thái Nguyên là hơi ngược” - ông Hương cho hay.
“Như ở TƯ, cũng nhiều bộ trưởng đã quá tuổi, nên không tái cử Trung ương nữa nhưng sẽ vẫn giữ chức bộ trưởng cho đến hết đại hội. Sau đại hội sẽ bổ nhiệm nhân sự bộ trưởng sau. Làm như thế sẽ ổn hơn” - ông Hương nói.
Ông Hương cũng lưu ý rằng nếu đã thực hiện Chỉ thị 36 thì cần thực hiện một cách công bằng. Việc ban thường vụ tỉnh ủy Thái Nguyên giới thiệu một nhân sự đã hết tuổi vào vị trí phó chủ tịch UBND tỉnh, để HĐND tỉnh bầu giữ chức này là điều không công bằng đối với các giám đốc sở khác.
“Tôi chưa hiểu tại sao người này lại được tái cử trong khi các người khác lại không. Nếu ông này quá tuổi mà được tái cử, trong khi các giám đốc sở khác phải nghỉ thì không đúng” - ông Hương nói.
Không tái cử, có thể thôi giữ chức danh lãnh đạo Theo hướng dẫn số 26 ngày 18/8/2014 của ban tổ chức TƯ về việc thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nhân sự không tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 thì thôi đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo UBND nhiệm kỳ 2011-2016 và các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước. Riêng đối với các chức danh lãnh đạo HĐND, nếu có nhân sự thay thế là đại biểu HĐND thì thực hiện việc thay thế; trường hợp nhân sự được chuẩn bị thay thế chưa là đại biểu HĐND thì có thể để người đương nhiệm tiếp tục công tác đến hết nhiệm kỳ HĐND 2011-2016. |
Theo Plo