-“Tác động rõ nét nhất là nước Nga của Putin đã bị tước đi vũ khí mạnh của mình đó là dầu lửa và con bài dầu lửa không còn hiệu quả nữa”, TS Hoàng Anh Tuấn nói.

Phần 1: 2014 bất ổn và khó đoán nhất

Mời quý vị xem phần tiếp theo tọa đàm tổng kết năm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ công an và TS Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao dưới đây.

Hạ giá dầu, mũi tên trúng hai đích

Nhà báo Thu Hà: Thực tế chứng minh kinh tế là giá đỡ của tất cả các vấn đề kể cả an ninh. Nhìn vào thực tế hiện nay, các ông có nhận định gì về kinh tế thế giới nói chung?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta phải xét đến các khu vực nòng cốt: Mỹ, Nhật, Châu Âu và khối BRICS.

Ba trung tâm Mỹ, Nhật và Châu Âu vẫn có vai trò dẫn dắt, làm giá  đỡ cho kinh tế thế giới. Theo phân tích của TS. Hoàng Anh Tuấn, năm vừa rồi có điểm sáng ở Hoa Kỳ, là động lực trụ cột của kinh tế thế giới. Hẳn chúng ta còn nhớ hôm 29/10 vừa rồi, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ kinh tế (khởi sự từ năm 2008). Việc FED tuyên bố chấm dứt chương trình cứu trợ kinh tế như vậy cho thấy nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi khủng hoảng và chỉ số thất nghiệp của họ chỉ còn trên dưới 6%, lạm phát cũng giảm.

Với Nhật Bản, chương trình kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản năm 2013 và nửa đầu năm 2014 tương đối thành công. Nhưng vừa rồi, sau khi kiết thúc cuộc họp thượng định G20, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố kinh tế Nhật Bản suy thoái.

Tại châu Ấu, lần đầu tiên trong 10 năm gần đây nền kinh tế Đức chỉ còn tăng trưởng1%, kinh tế Pháp đến bây giờ vẫn  bế tắc, Tây Ban Nha cận kề suy thoái, còn Italia vẫn chật vật và Hy Lạp chưa hết khốn khó.

{keywords}

Còn nhóm các nước BRICS gồm Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi tình hình cũng không khá. Trung Quốc năm 2014 tốc độ tăng trưởng chỉ có 7,4%. Đó là hệ quả của một thời gian dài đầu tư tràn lan không hiệu quả, bong bóng bất động sản, nợ công và nợ xấu cao. Nước Nga của Putin thì đang bên bờ vực của suy thoái. Ấn Độ vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra. Còn Brazil sau bầu cử vừa rồi cũng chồng chất khó khăn.

Nhà báo Thu Hà: Một vấn đề dư luận đang vô cùng quan tâm là giá dầu, theo tìm hiểu của tôi thì giá đã sụt giảm gần 50%. Rất rnhiều ý kiến nói rằng, người Mỹ đã nắm được thắt lưng của người Nga và nước Nga của Tổng thống Putin đang bị tước mất vũ khí quan trọng nhất. Liệu giá dầu và khí đốt sụt giảm nhanh như vậy thì điều gì sẽ xảy ra tới đây?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Có thể thấy dầu lửa và khí đốt luôn là các mặt hàng chiến lược. Sự trồi sụt nhanh chóng của các mặt hàng chiến lược này luôn tác động lớn về mặt địa-chiến lược và địa-kinh tế, cả với các nước chịu ảnh hưởng cũng như các nước được hưởng thụ.

Chúng ta cần nhớ sức mạnh của nước Nga và ông Putin có được trong thời gian qua phần lớn nhờ vào việc tăng giá dầu. Trong giai đoạn 2003-2008 giá dầu thế giới đã tăng từ 18 USD lên 130 USD một thùng và Putin đã dùng số tiền thu được từ việc giá dầu lên một cách hiệu quả, phân phối đầu tư lợi nhuận từ dầu lửa vào phát triển kinh tế quốc gia, tăng tiềm lực quốc phòng. Do đó, khi giá dầu giảm mạnh thì nó đã tác động mạnh đến nước Nga và ông Putin.

Đứng trên bình diện kinh tế thế giới, những quốc gia nào mà nguồn thu nhập phụ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa và khí đốt thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi giá dầu sụt giảm. Được hưởng nhiều nhất là những quốc gia phải nhập dầu lửa và khí đốt từ bên ngoài, và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá dầu và giá khí đốt giảm. Chẳng hạn ở Mỹ, so với cách đây 1 năm thì giá xăng dầu giảm khoảng 60 cent một galon, một mức giảm rất lớn. Điều này có nghĩa một gia đình trung bình người Mỹ trong một năm giảm bớt chi phí chi cho xăng dầu khoảng 600 USD. Người ta có thể dùng số tiền tiết kiệm này để trang trải các chi phí khác và đó cũng là một dạng kích cầu cho kinh tế Mỹ.  

Giá dầu giảm trong năm 2014 đã giúp ích rất nhiều cho các quốc gia nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Mỹ nữa và đã có tác động giúp kinh tế thế giới tăng trưởng thêm 0,5% trong năm 2014. Ngược lại, hầu hết các thành viên của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC đều bị ảnh hưởng nhất do thu nhập của họ dưạ vào việc xuất khẩu dầu. Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nga, Iran, Venezuela… Khi giá dầu giảm thì tăng trưởng kinh tế của họ bị giảm theo và phúc lợi dành cho người dân cũng bị giảm nhiều.

Giá dầu giảm mạnh khiến các nhà đầu tư, các nước đã phát hiện ra mỏ dầu khí đốt mới ngần ngại.

Họ không muốn đầu tư tiếp vào các mỏ dầu mới do không hiệu quả. Hiện số tiền các dự án dầu khí mới đang chờ quyết định đầu tư là khoảng 500 tỷ USD. Nếu như giá dầu duy trì ít nhất ở mức 60 USD thì chỉ có một số ít nước có khả năng khai thác dễ dàng, thấp hơn mức đó mới tính đến chuyện thăm dò và khai thác. Trái lại, nếu giá dầu xuống thấp hơn nữa thì người ta phải tính lại.

Mặt tiêu cực khác nữa là giá dầu giảm sẽ kích thích tiêu thụ dầu. Mà như chúng ta biết dầu là loại nhiên liệu hóa thạch và khi tiêu thụ nhiều sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, người tiêu dùng cũng phải trả giá. Giá dầu rẻ sẽ không khuyến khích các đầu tư mới.

Trong tương lai nhiều khả năng số dầu khai thác được cũng ít đi, khi đó xăng dầu sẽ lên giá trở lại, và người tiêu dùng phải trả giá cao hơn.

Về tác động địa-chính trị trên phạm vi toàn thế giới,  rõ nét nhất là việc nước Nga đã bị tước đi vũ khí mạnh của mình đó là dầu lửa và con bài dầu lửa không còn hiệu quả nữa.

Nga chưa rút được bài học của Liên Xô trước đây, tức xây dựng nền kinh tế phụ thuộc vào dầu lửa. Đáng lẽ phải rút ra bài học từ việc này, thì Nga lại chưa làm được. Dầu lửa hiện vẫn chiếm tỷ lệ gần 80 % tổng xuất khẩu và đóng góp khoảng 50% ngân sách. Cho nên, khi giá dầu giảm thì Nga bị ảnh hưởng  khá nặng nề, cứ 1 USD giá dầu giảm thì ngân sách nước Nga mất 2 tỷ USD và tính từ khi xảy ra khủng hoảng giá dầu đến nay thì ngân sách nước Nga mất trên 100 tỷ USD.

Mỹ làm chủ cuộc chơi?

Ngược lại với Nga, vai trò của Mỹ trong vấn đề dầu lửa hiện đang thay đổi. Nhờ dùng công nghệ fracking trong khai thác dầu và khí từ đá phiến, kết hợp với việc tìm ra một số mỏ đã phiến mới và đưa vào khai thác trên quy mô công nghiệp nên hiện nay Mỹ đã thay đổi vai trò trong cuộc chơi.

{keywords}
TS Hoàng Anh Tuấn

Nếu như trước đây là Mỹ là nạn nhân của các cuộc khủng hoảng giá dầu, thì bây giờ Mỹ lại làm chủ cuộc chơi này. Điều này tác động sâu xa đến chiến lược của Mỹ, đến chính sách của Mỹ đối với các khu vực và cũng ảnh hưởng đến tình hình địa-chính trị ở các khu vực.

Chẳng hạn, trong các năm 1991 và 2003 Mỹ đã tham gia hai cuộc chiến chống lại Saddam và nguyên nhân của các cuộc chiến này chủ yếu là do dầu lửa. Nếu như Mỹ không còn phụ thuộc vào dầu lửa Trung Đông thì Mỹ sẽ phải tính toán lại chiến lược của mình. Chưa chắc Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào các cuộc chiến “đổi máu lấy dầu lửa” ở Trung Đông, mà Mỹ sẽ yêu cầu các nước phụ thuộc vào dầu lửa tăng mức đóng góp.

Quan trọng hơn là từ nay trở đi Mỹ sẽ sử dụng vũ khí dầu lửa để tác động đến giá dầu, quyết định tăng hoặc giảm bao nhiêu, ở vào thời điểm nào và nhắm đến những đối tượng mà Mỹ thấy rằng đang tạo ra các thách thức an ninh mình, chẳng hạn như Venezuela, Iran và Nga.  

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vấn đề là tại sao giá dầu lại hạ nhanh như vậy? Chỉ từ tháng 5 đến nay thôi mà đã mất đi 45% rồi, tựu trung lại có 2 cách lý giải khác nhau. Mỹ, Tây Âu và một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông lý giải theo quy luật kinh tế. Kinh tế Nhật Bản và EU đã chững lại, nay bắt đầu suy thoái và BRICS cũng vậy.  Bức tranh kinh tế của thế giới là u ám, nhu cầu thì giảm, trong khi đó cung cấp thì tăng lên, và Arap Saudi vẫn tiếp tục bơm dầu.  

Như TS. Hoàng Anh Tuấn nói, công nghệ khai thác của Mỹ đang giúp đưa Mỹ đến chỗ tự thỏa mãn nhu cầu. Ngoài ra một số nước  trước đây khủng hoảng thì bây giờ bắt đầu khai thác lại như Libi. Theo quy luật kinh tế thì nhu cầu giảm mà cung tăng lên thì giá dầu ắt sẽ giảm xuống.

Lý giải thứ 2 cho rằng giá dầu hạ do Mỹ đã phối hợp với Arap Saudi. Sau khi Nga sát nhập Crưm thì Tổng thống Obama đột xuất đến Arap Saudi và hai bên thống nhất tăng khai thác để giảm giá dầu. Từ tháng 3 đến tháng 9 vừa rồi thì ông John Kerry và Ngoại trưởng Arap Saudi gặp nhau 7 lần, chủ yếu vẫn là hiện thực hóa cam kết của Obama và Quốc vương Arap Saudi. Như vậy, đây là một cuộc chiến tranh thực sự mà Mỹ khơi mào tấn công Nga với vũ khí là dầu mỏ.

{keywords}
Thiếu tướng Lê Văn Cương (trái)

Rõ ràng có một sự đồng thuận, tự nhiên giữa Mỹ và Arap Saudi bởi vì Arap Saudi xem Iran là kẻ tử thù của họ, nên hạ giá dầu là đánh thẳng vào đối thủ của mình, đồng thời Mỹ lại xem Nga là đối thủ. Việc Arap Saudi bắt tay với Mỹ hạ giá dầu là một mũi tên nhằm hai mục đích, bắn cả Nga và Iran. Còn bên kia tây bán cầu, giá dầu hạ cũng là tác động mạnh tới Venezuela.

Nhớ lại cách đây đúng 30 năm, năm 1984 giá dầu lúc đó là 30 đô la một thùng. Tổng thống Regan đã bàn với Arap Saudi là tăng cường khai thác và đến năm 1990 giá dầu chỉ là 5 đô la/1 thùng. Đây là đòn đánh thắng vào nền kinh tế của Liên Xô, một nhà chính trị thân phương tây cũng phải thốt lên, chính cuộc chiến tranh dầu mỏ Mỹ phát động từ năm 1984 đến 1990 đã làm cho Liên Xô sụp đổ. Tất nhiên ông ấy nói dưới tác động kinh tế thôi, chứ còn nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô phức tạp hơn. Và kịch bản đang lặp lại với Nga – Mỹ. Cần hiểu đúng ý đồ sâu sa của Mỹ trong việc hạ thấp giá dầu: mục đích trước mắt là làm sụp đổ nền kinh tế của Nga, về lâu dài, thông qua sụp đổ kinh tế, Mỹ muốn loại bỏ Putin ra khỏi Kremlin, thay vào đó một người thân phương tây hoặc chí ít cũng ôn hoà hơn Putin.

Đông Á tăng nhiệt

Nhà báo Thu Hà: Những bất ổn tại Trung Đông và sự trỗi dậy của phong trào nhà nước hồi giáo (tự xưng) IS thì mọi người có thể hình dung và hiểu lý do, nhưng căng thẳng ở Đông Á với tần suất và quy mô hiện nay chưa từng có như vừa qua là vì sao?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Như tôi nói ban đầu, năm 2014 các điểm nóng ở Khu vực Đông Á tăng nhiệt cùng lúc. Từ vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đến tranh chấp biển đảo ở vùng Senkaku/Điếu Ngư Đài, khiến hai nhà lãnh đạo TQ và Nhật Bản là Tập Cận Bình và Shinzo Abe đã 2 năm không gặp nhau kể từ khi cả hai nước có lãnh đạo mới.

Tranh chấp Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến đảo Dokdo, rồi căng thẳng ở Biển Đông với việc TQ đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa VN. Tiếp đó là biểu tình ở Hong Kong và bỏ phiếu hội đồng địa phương ở Đài Loan. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Một là, các tàn dư của Chiến tranh lạnh vẫn chưa được xử lý cụ thể, ví dụ như tình hình của bán đảo Triều Tiên và quan hệ hai miền. Điểm này khác với khu vực châu Âu.  

Hai là, do sự trỗi dậy của TQ, do chính sách quyết đoán của TQ cũng như quyết tâm của nước này trong việc khống chế và độc chiếm Biển Đông. Điều này đưa đến căng thẳng trong quan hệ của TQ và một số các nước Asean liên quan, trong đó có VN.

Ba là, sự cạnh tranh quyền lực ở một số các nước lớn trong khu vực, đặc biệt là sự thiếu lòng tin giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ.

Bốn là, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, cộng với ý thức về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và ý thức về sự độc lập của mình ở một loạt nước tăng cao. Đặc biệt, trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, các nước nhỏ luôn lo ngại các nước lớn hơn chèn ép, lấn át.

Năm là, ở khu vực Đông Á chưa có một cấu trúc khu vực đủ mạnh để xử lý các tranh chấp, các mâu thuẫn, căng thẳng này một cách có hiệu quả, chẳng hạn như cơ chế CSCE ở châu Âu. Ở châu Á chưa có một thiết chế ràng buộc và đủ mạnh để buộc cho các nước lớn hành xử theo luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Đây là 5 nguyên nhân khiến căng thẳng ở khu vực Đông Á “tăng nhiệt” cùng lúc.

{keywords}

Nhà báo Thu Hà: Những hành động của TQ, từ việc đưa giàn khoan vào Biển Đông hay việc Bắc Kinh bác bỏ đơn kiện của Philippin, lập ra các vùng nhận dạng phòng không, sáng kiến mở con đường tơ lụa trên biển…. nói lên điều gì? Thưa ông Lê Văn Cương, ông lý giải thế nào về những hành động của TQ trong năm qua?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo dõi dư luận châu Âu và Mỹ suốt 30 năm qua, tôi thấy phần lớn người ta lý giải hành động của Trung Quốc bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp đạo lý, bằng mọi cách chiếm biển Đông cho bằng được.

Vì biển Đông có nhiều dầu mỏ, TQ độc chiếm biển Đông để độc chiếm tài nguyên dầu mỏ, khí đốt phục vụ nền kinh tế khổng lồ. Thế giới nhìn từ góc độ đó, song tôi cho là chưa đủ.

Thứ nhất, dầu mỏ ở Biển Đông không có nhiều. Đến giờ phút này cũng không ai biết ở Biển Đông có bao nhiêu dầu cả. Bộ năng lượng Mỹ đưa ra con số khoảng 30 tỷ thùng, trong khi Trung Quốc đưa ra con số 230 tỷ thùng. Thế giới nghiêng về con số của Bộ năng lượng Mỹ, cho rằng trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông loanh quanh con số 50 tỷ thùng thôi. Vậy thì không có gì ghê gớm cả, riêng Arap Saudi đã là 190 tỷ thùng rồi, Iran 160 tỷ thùng và Iraq là 150 tỷ thùng. Hơn nữa, dầu mỏ ở Trung Đông là trầm tích rất nông, người ta khai thác dầu ở Trung Đông, Bắc Phi y như ta khoan giếng. Còn dầu ở biển đông thì trầm tích phía sâu hơn thường là vài trăm mét, thậm chí là cả cây số mới có dầu, trữ lượng không lớn, khai thác khó và chất lượng không cao. Như vậy, mục đích dầu lửa là có nhưng không phải là mục đích chính.

Do đó, theo tôi có hai nguyên nhân khiến cho Trung Quốc bất chấp luật pháp bằng mọi cách độc chiếm Biển Đông. Bởi lẽ, Biển Đông là lối ra duy nhất của Trung Quốc. Trung Nam Hải muốn trở thành một siêu cường, nhưng lại không có lối ra: Lên phía Bắc thì mắc Nga; ở mặt Đông Bắc thì bị hòn đá tảng liên minh Mỹ - Nhật - Hàn chặn; xuống Tây Nam thì giáp Ấn Độ; còn phía trên thì giáp Mông Cổ và vùng Trung Á. Bởi vậy Trung Quốc chỉ có hai lối ra duy nhất đó là qua Biển Đông, và một lối khác nằm giữa Đài Loan và Senkaku, nơi Mỹ và Nhật Bản kèm chặt. Bởi vậy, Biển Đông là lối thoát duy nhất để họ tiến ra Thái Bình Dương và vòng xuống phía Nam ra Ấn Độ Dương. Con đường độc đạo này họ đang quyết làm bằng được.

Ngoài ra, Biển Đông nằm trên một trục đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Khoảng 33 % hàng hóa và dịch vụ thương mại quốc tế đi qua Biển Đông. Riêng dầu mỏ 42% dầu mỏ thương mại của thế giới đi qua Biển Đông, lượng dầu mỏ dầu mỏ thế giới qua biển đông lớn gấp 15 lần qua kênh đào Panama. Khống chế biển Đông sẽ đặt 10 nước ASEAN vào trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, làm con bài mặc cả với Hàn Quốc và Nhật Bản, đó là hai lý do chủ yếu dẫn đến việc Trung Quốc bất chấp luật pháp, tìm cách độc chiếm Biển Đông. Ý đồ sâu xa của họ là như vậy.

Nhà báo Thu Hà: Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, ASEAN sẽ đóng vai trò như thế nào để hóa giải các thách thức về an ninh trong khu vực? Bản thân các nhà ngoại giao, giới trí thức, giới truyền thông Việt Nam đã làm gì để góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?

Câu hỏi này sẽ được các vị khách mời bàn thảo tại kỳ 3 cũng là kỳ cuối của toạ đàm nhìn lại thế giới năm 2014 của Tuần Việt Nam. Mời quí vị đón xem.

  • Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng