Hover Bike

Phương tiện này lai ghép giữa xe gắn máy, xe trượt tuyết và 1 hệ thống đẩy của máy bay phản lực. Phía trước được thiết kế 1 lớp kính thông minh hiển thị các thông số cần thiết giống như xe máy thực tế. Thêm vào đó là lượng đạn và đồ bền của xe, thậm chí gắn cả hệ thống GPS. Thiết kế thân xe góc cạnh và được bóc thép, có thể làm trượt viên đạn của địch sang hướng khác, nó cũng hỗ trợ việc đổi hướng đi dễ dàng.

3D-Printer Rifle

Thiết kế rất đẹp mắt, tuy nhiên cơ chế làm việc của cây súng này rất… rất dị. Băng đạn thông thường sẽ thay thế bằng một cái bình chứa một loại vật liệu đặc biệt dạng lỏng. Khi bóp cò, chất lỏng này được đẩy vào phần giữa súng, nó được hệ thống máy tính trong súng biến đổi từ dạng lỏng sang dạng rắn dưới hình dáng như một viên đạn. Tiếp đó, hệ thống này tạo lực đẩy và độ xoay cần thiết cho viên đạn rồi đẩy viên đạn ra khỏi nòng ở tốc độ cao.

Chưa kể, có thể SHG thêm thắt cả vụ “đạn đuổi” vào cây súng này nữa, biến nó thành cây súng đúng chất “tương lai”. Hộp chất lỏng này có thể tạo ra 200 viên đạn trong thời gian rất ngắn, đồng thời nhẹ hơn việc mang 200 viên đạn thật. Chính vì điều này, người lính có thể mang lượng “đạn” nhiều hơn so với chiến trường bây giờ.

Plasma-powered Rifle

DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency) là cơ quan nghiên cứu các dự án phòng thủ nâng cao, hay nói cho dễ hiểu là trung tâm nghiên cứu vũ khí tương lai. SHG đã từng tới tham khảo và nhờ các chuyên viên kĩ thuật cho ý kiến về các loại vũ khí trong tương lai. Plasma chính là sản phẩm sau những lần tiếp xúc đó. Thiết kế súng có nhiều nét giống với các cây shotgun, đằng sau là “hộp đạn” mà theo chúng tôi là khu vực chứa các hạt mang năng lượng cao.

Khi bạn bóp cò, hệ thống máy tính sẽ tổng hợp các hạt lại, kìm nén nó để nó tự giải phóng năng lượng, số năng lượng đó bằng cách nào đó sẽ được tụ tập lại và phóng ra khỏi nòng, như trong các phim Star Wars. Nói thì dễ, nhưng để làm ra loại súng như thế này, loài người chắc còn phải tổn thọ cả trăm năm nữa.

Exo Suit

Powered Exoskeleton trong thực tế được tìm hiểu và thiết kế bởi một người Nga có tên là Nicholas Yagn vào năm 1890, nhưng việc thiết kế 1 bộ giáp như vậy vào thời đó là bất khả thi. Trải qua rất nhiều biến cố, tới những năm 1960, bộ giáp đầu tiên mới được thiết kế thành công bởi công ty General Electric và quân đội Mỹ. Dù vậy phải tới gần đây, khi công nghệ nano đã đạt được các bước tiến dài trong lịch sử thì ExoSuit mới thực sự được coi là bộ giáp cho siêu chiến binh.

Nó có thể nâng được các vật nặng gấp nhiều lần cơ thể con người, tăng tốc cho chiến binh… Bối cảnh của Advanced Warfare là vào năm 2054, 40 năm kể từ ngày hôm nay, công nghệ và kĩ thuật sẽ vô cùng khác bây giờ. Trong óc tưởng tượng của SHG, Exosuit đã được hoàn thiện vào lúc đó. Nó giúp cho chiến binh có thể nhảy cao, chạy nhanh, vác vật nặng, tàng hình, tránh sát thương vật lý… Nó còn làm được điều gì nữa, chúng ta hãy cùng chờ tới E3 2014 này.

Tanks và Aircraft

Phương tiện chiến đấu trong tương lai sẽ được thiết kế nhiều góc cạnh để chống radar, đồng thời được chế tạo với vật liệu bền và tiên tiến nhằm tránh thiệt hại từ bom và các vụ nổ. Advanced Warfare để cho các game thủ thấy trước vài phương tiện chiến đấu như MRAPs (một loại xe quân sự được “độ” lại), Spider-tanks (Xe tăng nhưng không sử dụng xích mà di chuyển bằng các chân tương tự loài nhện), trực thăng “Avatar”.

Các phương tiện bay đa phần dùng cơ chế phản lực để cất và hạ cánh, còn các cánh quạt lớn chủ yếu để giữ cân bằng và điều chỉnh hướng di chuyển. Điều này cho phép tăng tính cơ động của phương tiện khi di chuyển từ tàu sân bay tới mục tiêu.

Theo G4V