Ngày 15/4, trao đổi với PV VietNamNet, anh N.V.H (chủ một doanh nghiệp vận tải ở Thái Nguyên) cho rằng, việc xe vi phạm tốc độ lên tới trên 2.000 lần/tháng mới được phát hiện có lỗi do cơ quan quản lý.
“Do quản lý không chặt nên mới để xảy ra những xe hoạt động, tham gia giao thông vi phạm tốc độ nhiều lần như thế. Bất kỳ doanh nghiệp vận tải vận chuyển hành khách nào đều phải đảm bảo điều kiện kinh doanh, trong đó có việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”, anh N.V.H nói.
Cho rằng không cần thiết phải rút ngắn thời gian tổng hợp phân tích dữ liệu giám sát hành trình, anh N.V.H đặt câu hỏi: Sở GTVT các địa phương đã quản lý các doanh nghiệp vận tải chặt chưa? Các chủ doanh nghiệp vận tải đã quản lý phương tiện và lái xe chặt chưa?
Qua sự việc này, anh N.V.H nhấn mạnh, lỗi không chỉ của lái xe mà còn do quản lý từ cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có một quy trình quản lý chặt về vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng, kết hợp với một ông chủ có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa những vi phạm.
Sở GTVT các tỉnh phải quản lý thật chặt, nếu phát hiện vi phạm cần xử phạt kịp thời, nghiêm khắc đối với chủ doanh nghiệp vận tải thì cũng sẽ hạn chế vi phạm.
“Thậm chí không chỉ thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện mà cần thiết thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của doanh nghiệp đó. Chỉ có xử lý nghiêm mới có thể làm tốt được”, anh N.V.H. nhận định.
Theo anh N.V.H, xe vi phạm tốc độ sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thống kê từ các vụ tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân liên quan tốc độ chiếm tới 70%.
Tuy nhiên, lĩnh vực vận tải của nước ta hiện nay còn manh mún. Mô hình doanh nghiệp có nhiều ông chủ xe, trong đó nhiều chủ xe kiêm lái xe khiến chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
“Ngoài việc thu hồi phù hiệu xe vi phạm, nên cân nhắc phương án thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp nếu để xe vi phạm tốc độ nhiều lần. Bởi vì thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm chỉ là đối với một xe. Với doanh nghiệp có nhiều xe, việc thu hồi phù hiệu 1 xe không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu.
Nếu xe chạy quá tốc độ gây ra tai nạn giao thông, ngoài xử lý tài xế cần phải truy tố trách nhiệm hình sự với cả chủ doanh nghiệp. Lý do là vì ông chủ quan liêu, quản lý thiếu trách nhiệm.
Với tất cả những giải pháp mạnh tay như thế, tôi nghĩ tình trạng vi phạm tốc độ cũng sẽ được cải thiện”, anh N.V.H bày tỏ.
Được biết, theo quy định hằng tháng, sau khi trích xuất dữ liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội sẽ đăng công khai lên trang website của sở danh sách những xe vi phạm tốc độ. Sau 7 ngày các đơn vị có xe vi phạm không đến nộp phù hiệu thì sở này sẽ thông báo tới các cơ quan chức năng.
“Lúc này, các đơn vị có xe vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 123, xử cả lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải. Mức phạt trong tình huống này khá nặng, trong đó có cả tước giấy phép lái xe của tài xế”, một cán bộ Sở GTVT Hà Nội nói.
Trước đó như VietNamNet đã đưa tin, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn thông qua thiết bị giám sát hành trình.
Qua trích xuất dữ liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, đã phát hiện nhiều trường hợp phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Chỉ riêng trong tháng 1, Sở GTVT đã ra quyết định tước phù hiệu, biển hiệu của 819 phương tiện vi phạm tốc độ, trong đó có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ hàng trăm lần/tháng.
Cá biệt xe hợp đồng mang BKS 29B-147.12 của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hòa Phát vi phạm tốc độ 2.040 lần trong tháng 1/2023.