Tiểu thuyết thứ hai của Đoàn Bảo Châu đã ra mắt bạn đọc tại Hà Nội, và những “Vui buồn trong hộp” đã để lại ấn tượng không chỉ là những câu chuyện vụn vặt đời thường mà còn là cái nhìn với những số phận con người.

{keywords}
Đoàn Bảo Châu ký tặng trong ngày ra mắt sách tại HN.

“Mỗi thời điểm đời người, dường như ai cũng đang bị đóng trong một cái hộp tâm thức vô hình và sống chính là quá trình phá vỡ hay cam chịu…” - trích Vui buồn trong hộp.

Như một bô phim với 7 nhân vật chính - 7 câu chuyện đời người tưởng chừng rời rạc, không liên quan nhưng thật sự lại có sự ràng buộc bằng một sợi dây là cuộc sống hàng ngày khép kín trong 7 căn phòng ở một cái chung cư cấp 4 (một cái hộp to với 7 cái hộp nhỏ)… Một nhà báo trẻ nhiều năng lượng nhiệt huyết Hoài Thương, một cô gái nhà văn bí ẩn xinh đẹp Huyền Miên, một cậu sinh viên chân chất Hoàng Phi, một bà Nhẫn luôn cam chịu có ông chồng cán bộ tên Kiệt dâm loạn, một cô Thu không nhan sắc sống buồn, một cô gái điếm “chân dài” nhưng khí khái Diễm Lệ, một ông thầy thuốc nửa chính nửa tà tên Cường…

“Vui buồn trong hộp” đã chuyển đến bạn đọc những mảnh ghép cuộc sống hiện thực của đô thị trong những khu chung cư “hộp diêm”. Bằng cách sử dụng thủ pháp cắt lát và chuyển cảnh nhanh gọn như của điện ảnh, những câu chuyện của từng nhân vật được kể rất gọn gàng, tưởng chừng không có gì, nhưng lại dẫn dắt người đọc dần khám phá nội tâm của từng người, những góc khuất, những vui buồn, những ước mơ và thất bại, những khắc khoải trên còn đường tìm kiếm hạnh phúc của chính mình.

“Dường như trong mỗi thời khắc cuộc đời, chúng ta đều bị đóng vào trong một cái hộp tâm thức vô hình. Người mạnh mẽ có thể nhận ra sự tù túng, sẽ khao khát phá bỏ để tìm đến một không gian rộng lớn hơn, kẻ yếu đuối sẽ cam phận bằng lòng ngủ yên trong cái hộp êm ái của mình.

Nhưng mạnh mẽ hay yếu đuối cũng chỉ là quan niệm, dẫn đến sự lựa chọn của mỗi người. Sự mạnh mẽ bên ngoài có thể ấn chứa sự yếu đuối bên trong và ngược lại. Hơn nữa, sự mạnh mẽ thiếu sáng suốt có thể đưa ta đến sai lầm lớn trong khi sự yếu đuối an phận có thể cho ta được yên bình trong không gian hạn hẹp.

Phải chăng, tất cả là duyên phận, là món quà tạo hoá trao cho mỗi người” (trích Vui buồn trong hộp).

Trong một câu chuyện nhỏ, nhân vật nhà báo hỏi nhân vật nhà văn: “Em có hạnh phúc không?”… Câu hỏi tưởng như chỉ của hai nhân vật giành cho nhau, nhưng thật ra cũng là một câu hỏi ngầm cho các nhân vật trong “Vui buồn trong hộp”. Nó chạm tới sâu thẳm từng số phận, sống - tồn tại để sống - tồn tại hay mưu cầu hạnh phúc cá nhân? Và thế nào là hạnh phúc? Phải chăng là khi có được tình yêu như anh nhà báo mơ đến với cô nhà văn? Hay chỉ là sống yên phận như một bà Nhẫn, một cô Thu? Hay là “đắt khách” để kiếm nhiều tiền cho cuộc sống hiện tại không ngày mai của những cô gái điếm?

Và kiểu sống chính - tà nửa giang hồ, nửa người tốt của ông thầy thuốc am hiểu cả hai giới luật: Luật Nhà nước và Luật giang hồ? Thậm chí hạnh phúc có phải là một trò gian lận “ăn quỵt” gái điếm của một cán bộ “mất nết”? Rồi mơ ước nho nhỏ của cậu sinh viên đôi khi chỉ là nhìn thấy “thần tượng” của mình ở xa xa…

Rồi những trăn trở của từng số phận… "Thế rồi anh bỗng nhận ra, suy cho cùng cái quý nhất trong cuộc đời là cảm xúc con người. Anh tự quăng mình vào những cuộc chơi để anh hiểu đời bụi đến đâu, sạn đến đâu, nhầy nhụa đến đâu, để anh thành một kẻ trải đời, để anh lột xác từ một con gà tơ thành một con sói sành sỏi, coi mùi máu của những con khác bình thường nhạt nhẽo như nước sông.

Đúng là anh trải đời thật, anh đã thành một con sói như anh muốn, nhưng anh không quay trở lại ngày xưa được nữa. Làm một con gà tơ cũng khổ, sẽ bị thế giới mặt người dạ thú làm nhục, bị nuốt chửng ngay nhưng những cảm xúc của nó thì lại mong manh tuyệt đẹp như nắng thu cuối ngày...” (trích “Vui buồn trong hộp”).

Có lẽ thế mà người đọc bị thu hút bởi những “cuộc chiến” trong từng nhân vật. Một cuộc chiến nội tâm giữa lòng tham - và sự chân thật, giữa cái thiện và cái ác với ranh giới mỏng manh. Ở người sinh viên, trở thành tên ăn cắp và vĩnh viễn bị ‘thần tượng” của mình khinh bỉ hay thà mất hết mà bảo toàn sự trong sạch cho dù có thể sẽ đói rách bần hàn hơn. Rồi để có lại được những cảm xúc trong sạch mà người thầy thuốc hàng ngày mang chính bản thân mình ra như vật thí nghiệm vật lộn với các kiều sống khác nhau… để cuối cùng thì chính mình giết mình với cái chết không minh bạch.

“Cuộc chiến” gay cấn nhất và hấp dẫn nhất, có lẽ là cuộc dấn thân đi tìm công lý của cô gái điếm cho bạn mình và cuộc trả thù của những cô gái điếm với bọn xã hội đen đầy kịch tính như một cảnh phim hình sự hồi hộp mang đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Khi pháp luật chưa đứng về phía những cô gái mang thân phận dưới dáy xã hội, thì họ có cách tìm công lý cho riêng họ bằng cách của họ. Có thể xem những trang viết về những cô gái điếm là những trang viết nhân văn rất xúc động.

"Đêm qua tôi mơ thấy mình được sống một mình trong một căn nhà bằng gỗ giữa rừng. Tiếng chim, tiếng vượn suốt ngày lảnh lót, những con hươu, con nai và cả những con gà rừng nhàn tản kiếm ăn trước mặt ngôi nhà, tôi ngồi im ngắm chúng say mê….” (trích “Vui buồn trong hộp”).

Những giấc mơ, đôi khi thật giản dị mà trở thành xa xỉ ở cái thời mà mọi người buộc phải sống trong những cái “hộp” và chỉ tự thân vui buồn với bản thân cùng những bức tường của cái ‘hộp” đó.

{keywords}
Tác giả Đoàn Bảo Châu trong buổi ra mắt tiểu thuyết thứ 2.

 

Nhân vật nhà báo Hoài Thương, có chút phảng phất như chính tác giả Đoàn Bảo Châu. Anh đã có những trải nghiệm của mấy chục năm lăn lộn của nghề ảnh báo chí, nên trong những trang viết về nhân vật này, cứ như anh đang viết về những cảm nhận, những suy tư trăn trở về cuộc sống hiện tại của chính anh.

Và cách anh xử lý tình huống với các nhân vật của mình ở “Vui buồn trong hộp”, ngoài sự chắc tay về diễn biến tâm lý, còn là một cái nhìn rất nhân văn ở anh, có sự phân biệt rõ ràng anh luôn đứng về phía kẻ yếu, ít có sự bảo vệ, dễ bị tổn thương…

Một cuốn tiều thuyết dễ đọc, không cấu trúc phức tạp, ngôn ngữ  chân thật, bình dị, không hoa mỹ, cầu kỳ, đôi khi có vẻ hơi lạnh nhưng lại mang đến nhiều vui - buồn, đúng như tác giả Đoàn Bảo Châu đã đặt tên tác phẩm của mình: “Vui buồn trong hộp”.

Và tôi đã đọc “Vui buồn trong hộp” của Đoàn Bảo Châu ở  một cái “hộp” nhỏ trong một cái “hộp” lớn… “Một lần, tôi bỗng ngộ ra rằng hạnh phúc là điều vô cùng giản dị. Hạnh phúc là khi ta có được người ta yêu thương bên cạnh…. " (trích “Vui Buồn Trong Hộp”).

Hoài Hương
Ảnh: HH