- Ở Nghĩa Đạo có sự lạ đời, đó là vốn không nhiều nhưng HTX không có nhu cầu vay vốn ngân hàng hay vốn góp của xã viên, thậm chí ứng vốn cả tỉ đồng.

Trên mảnh ruộng có vỏn vẹn một sào, chị Vương Thị Nhạn quyết định trồng dưa bao tử thay lúa như bao xã viên của HTX Nghĩa Đạo (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Vụ dưa đầu thu về khá ổn với 6-7 triệu đồng/tấn, thu hoạch được 2 tấn bỏ túi nhẹ nhàng hơn chục triệu, không khác nào "lên đời" với gia đình chị bởi lúa chỉ cho thu hoạch 2-3 triệu đồng.

{keywords}
Chị Vương Thị Nhạn đang chăm sóc ruộng dưa chuột chuẩn bị vụ thu hoạch mới

Chị Nhạn kể mình là trường hợp "khiêm tốn" trong HTX vì những xã viên khác nhiều ruộng hơn thu hoạch bình quân từ 3-4 tấn dưa, kiếm trên dưới 20 triệu đồng mỗi vụ trong 2 tháng.

Rồi ngoài 2 vụ chính trồng dưa bao tử xuất khẩu đi Nga, Đài Loan theo đơn hàng của HTX, các nông dân còn tự trồng dưa chuột bình thường để bán cho lái buôn dù giá cả không ổn định bằng.

Lý do khiến họ bạo dạn thay đổi cây trồng, đó là HTX có những đơn hàng ký trước với các công ty khá ổn định. "Trồng tự do, lái buôn vào tận ruộng cân nhưng mưa xuống giá, nắng lên giá rất thất thường. Cân được đồng nào lại tiêu hết đồng đó”, chị Nhạn so sánh.

Gắn kết nông dân

HTX Nghĩa Đạo là một HTX dịch vụ nông nghiệp đặc trưng của vùng Bắc Bộ chuyên trồng lúa và một số hoa màu.

Được chuyển đổi từ năm 1997, đến nay HTX có 315 xã viên với vốn tích lũy gần 500 triệu đồng. Khởi nghiệp họ từng chỉ có chưa đến 100 triệu đồng. Bình quân mỗi xã viên góp vốn 300 nghìn đồng, những người đóng nhiều nhất là thành viên Ban quản trị khoảng 5 triệu đồng/người, xã viên đóng ít nhất 200 nghìn đồng.

{keywords}
 Dưa bao tử được xã viên đưa đến HTX phân loại chuẩn bị  bán cho các công ty xuất khẩu đi nước ngoài. Ảnh: báo Bắc Ninh

Dưa chuột, dưa bao tử phục vụ chủ yếu cho các đơn hàng xuất khẩu của HTX với các công ty ngoài thị trường. Nhưng không chỉ phụ thuộc một giỏ, HTX khá năng động khi nhập về các giống lúa siêu nguyên chủng cho bà con trồng để bán lại lúa giống cho các công ty phân phối đi nơi khác.

Việc trồng lúa giống này cũng được HTX thỏa thuận với các công ty bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường từ 1-1,5 nghìn đồng/kg.

{keywords}
Ông Vương Bá Huyền, Chủ nhiệm HTX Nghĩa Đạo vừa được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế

Ông Vương Bá Huyền, chủ nhiệm HTX Nghĩa Đạo cho hay, từ năm 2012 đến nay, HTX xuất bán, tiêu thụ nông sản của các xã viên được 326 tấn lúa nguyên chủng; 820 tấn dưa chuột, dưa gang, bí ngô. Riêng năm 2014, HTX đã tiêu thụ 205 tấn dưa chuột, 170 tấn dưa gang, 110 tấn lúa giống.

Nhờ vậy, thu nhập của xã viên hơn các nông dân ngoài HTX từ 6-7 trăm nghìn đồng/tháng.

Trong 9 dịch vụ HTX cung ứng cho nông dân, quan trọng và hiệu quả nhất là giống, thuốc men, phân bón đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra.

HTX cũng đầu tư một kho lạnh để bảo quản nông sản, chủ yếu là các loại giống. Nông dân gửi giống hoa màu, phần lớn là khoai tây vào kho lạnh, mỗi vụ 3-6 tháng, HTX chỉ thu 250 nghìn đồng/hộ.

{keywords}
Kho lạnh bảo quản giống cho xã viên

“Mình tự trồng, phải lo tiền giống, thuốc, phân các loại. Đến khi thu hoạch phải tìm chỗ bán cho được giá còn vào HTX thì mọi thứ đầu vào đã có HTX ứng trước, lại không lo rớt giá, ép giá đầu ra như tự làm. Làm cái gì cũng phải có thôn yêu cầu, HTX hướng dẫn thì dân mới có thể làm được”, chị Nhạn cho hay.

"Chê" vốn

Không giống như các HTX khác, ở Nghĩa Đạo có điều lạ đời, đó là vốn không nhiều nhưng không có nhu cầu vay ngân hàng hay vốn góp của xã viên, thậm chí còn ứng vốn cả tỉ đồng. Cứ mỗi vụ trồng, HTX ứng vốn cho nông dân với các công ty trên dưới 1 tỷ đồng.

Từ cây que cắm giàn, đến giống lúa, giống màu, thuốc trừ sâu, phân bón… đều ứng hết cho xã viên. Một năm 2 kỳ vụ đông xuân là 30/6, vụ mùa 30/11, đến hẹn lại lên, HTX thu mua nông sản của nông dân rồi trừ tiền đã ứng để thanh toán tiền cho các công ty.

Lý giải cho hình thức luân chuyển vòng vốn lời này, ông Huyền cho hay, mọi giao dịch giữa HTX với các công ty cũng như giữa HTX với bà con nông dân đều bằng uy tín. “Làm ăn với nhau lâu năm, tin tưởng nhau rồi" - ông nói.

Nhưng một phần lý do khiến HTX Nghĩa Đạo “chê” vốn vì theo luật HTX 2012, sau 1 năm sản xuất kinh doanh, HTX phải trả lãi suất cho xã viên từ 1,8% - 2,5%, cao hơn bên ngoài. Trong khi mỗi năm HTX chỉ lời có vài chục triệu.

{keywords}

“Lãi suất cao thế này, để họ gửi tiền nhiều, HTX lấy tiền đâu trả lãi cho xã viên. Vì vậy chúng tôi phải khống chế xã viên góp vốn” - ông Huyền nói thêm. Năm 2014, HTX lãi nhiều hơn các năm trước cũng chỉ ở mức gần 40 triệu đồng nhưng chia lãi cho các xã viên hết phân nửa.

Dù vậy ông Huyền tỏ ra khá vui vẻ khi HTX hoạt động kinh doanh nhưng tính phục vụ xã hội, gắn kết nông dân cao hơn. Như việc hầu như mọi dịch vụ của HTX “bán” cho nông dân với giá rất rẻ, thậm chí có dịch vụ HTX chẳng thu đồng nào.

Nhưng mọi việc không chỉ có suôn sẻ trồng dưa thu bạc vào túi. Sự bấp bênh của thời tiết, thị trường, đặc biệt là sự phụ thuộc nguồn đầu ra, giá cả khiến các xã viên vẫn canh cánh, thu tiền kiểu ăn đong vụ mùa, mùa nào biết mùa đó. Trồng trọt chực lỗ mà không biết làm sao, chỉ biết than bấp bênh, vất vả.

"Nhưng nông dân mình vẫn ghê lắm!" - ông Huyền nói.

Thu Hằng - Ảnh: Lê Anh Dũng

Tiếp: Phải tự bơi, nông dân chực bỏ ruộng