Đến cuối năm 2024, tổng diện tích trồng xoài của Đồng Tháp đạt gần 15.000ha. Theo đó, giá trị sản xuất ngành xoài đạt khoảng 2.573 tỷ đồng, tăng trưởng 12,13% và vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận bình quân trong sản xuất xoài dao động từ 142-232 triệu đồng/ha, trở thành cây trồng thế mạnh giúp người nông dân ổn định thu nhập, thậm chí có thể làm giàu.
Để đạt được thành tựu này, ngành nông nghiệp tỉnh hướng cho người nông dân áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, khuyến khích canh tác theo hướng hữu cơ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 542ha xoài đạt chứng nhận VietGAP, khoảng 68ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Đặc biệt, các hộ ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tăng dần việc sử dụng phân hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hạn chế sử dụng phân hóa học, tuân thủ thời gian cách ly thuốc để tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Nhằm nâng cao giá trị cây xoài và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, toàn tỉnh có 32 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, kinh doanh xoài với tổng diện tích đất canh tác là 4.065ha.
Không chỉ vậy, tỉnh Đồng Tháp còn đặc biệt quan tâm tới công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xoài nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, chất lượng - an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Qua đó, từng bước xây dựng và phát triển bền vững chuỗi ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp.
Những năm vừa qua, ngành xoài Đồng Tháp còn đa giá trị cho cây trồng thế mạnh này bằng cách gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Điển hình như mô hình độc đáo “Cây xoài nhà tôi” tại xã Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp).
Theo đó, nhằm đa dạng hóa phương thức quảng bá đặc sản địa phương, nhà vườn tại đây cho khách hàng “nhận nuôi” cây xoài trong vườn. Cây xoài được nhận nuôi sẽ được gắn biển tên khách hàng, mã QR để truy xuất nguồn gốc cũng như quá trình nuôi trồng, chăm sóc chuẩn VietGAP.
Đến mùa thu hoạch, khách hàng được nhận toàn bộ quả xoài của cây đó mà không tốn công chăm sóc, còn nhà vườn có đầu ra ổn định hơn.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, mỗi sản phẩm nông sản của Đồng Tháp là một câu chuyện. Thông qua những mô hình như “Cây xoài nhà tôi” có thể kể cho du khách nghe những câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình làm ra trái xoài đặc sản. Từ đó, người nông dân có thể bán trái xoài, bán luôn cả câu chuyện về đặc sản này. Đây chính là cách gia tăng giá trị, hướng tới phát triển bền vững cho ngành hàng.
Bạch Hân