- “Lúc mới nhập viện, những công nhân TQ tỏ ra hoang mang, lo sợ và thường tập trung một chỗ. Nhưng sau khi được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình, tinh thần đã ổn định trở lại” – BS Nguyễn Đông Phong, khoa Nội – Đông Y (BV Đa Khoa TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Trắng đêm cùng người bệnh
Chiều tối ngày 14/5, cuộc xô xát giữa các nhóm công nhân ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) khiến một người chết và 149 người bị thương (bao gồm cả người Việt Nam và TQ) phải nhập viện.
Mặc dù số lượng bệnh nhân nhập viện cùng lúc rất đông nhưng đội ngũ y bác sỹ cùng một nhóm thanh tình nguyện Hà Tĩnh đã chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Họ đã phải trắng đêm chăm sóc, điều trị người bệnh và làm việc gấp hai, gấp ba lần những ngày bình thường.
|
Lao động TQ được đội ngũ y bác sỹ, sinh viên tình nguyện chăm sóc tận tình. |
Tất cả những chi phí, vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng…) đều do bệnh viện tự bỏ ra.
Bác sỹ Lê Quế, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin có một số lượng lớn bệnh nhân từ Kỳ Anh chuyển ra, bệnh viện đã điều động hầu như tất cả cán bộ từ lãnh đạo bệnh viện, các trưởng, phó khoa tới đội ngũ y tá, bác sỹ tập trung ứng cứu.
Có những cán bộ vừa xong ca trực của mình, đang trên đường trở về nhà, cũng phải quay lại để tiếp tục công việc.
"Đêm đó (14/5) và những ngày tiếp theo, chúng tôi làm việc 24/24h" - ông Quế nói.
Sau khi phân loại theo từng mức độ nặng, nhẹ, các bệnh nhân được chuyển sang các khoa để tiện cho việc chăm sóc. Cũng theo ông Quế, hiện đang có 94 bệnh nhân là lao động người Trung Quốc điều trị tại đây. Tình hình sức khỏe, tinh thần của những bệnh nhân này cơ bản đã ổn định.
Sáng 16/5, có mặt tại khoa Chấn thương (BV Đa Khoa Hà Tĩnh), PV VietNamNet chứng kiến các bệnh nhân là lao động người TQ đang điều trị tại đây được chăm sóc rất chu đáo. Những nữ điều dưỡng, y tá với nét mặt vui tươi đang ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
“Đối với chúng tôi, chăm sóc bệnh nhân thì ai cũng như nhau. Không phải vì họ là người Trung Quốc mà mình đối xử không tốt. Đó là do chính phủ của họ. Chứ đây đều là những người lao động xa quê hương, cuộc sống cũng rất khó khăn. Vào viện thì không có ai chăm sóc, chúng ta nên giúp đỡ họ nhiều hơn" - điều dưỡng Nguyễn Thị Liễu cho hay.
Nhiều lao động đã ổn định sức khỏe sau khi được chăm sóc. |
Cũng theo quan sát của PV, ngoài đội ngũ y, bác sỹ, còn có một đội Thanh niên tình nguyện của trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thay phiên nhau chăm sóc người bệnh.
Bạn Ngô Thanh Dũng (sinh viên năm 2) chia sẻ: Ngay trong đêm xảy ra sự việc và biết có rất nhiều người bị thương chuyển ra đây, bọn mình đã có mặt để cùng với nhân viên y tế chăm sóc cho họ. Đêm đó mình cũng như rất nhiều bạn khác cũng thức trắng đêm. Tuy mệt nhưng rất vui. Mình muốn họ thấy việc xảy ra xô xát chỉ là tai nạn và người dân cũng như đất nước Việt Nam luôn mong muốn hòa bình.
Công nhân TQ đã bình tâm trở lại
Tại BV Đa Khoa TP Hà Tĩnh, đang có 45 bệnh nhân điều trị, trong đó có 5 bệnh nhân đang được theo dõi, còn 40 người khác thì tình hình sức khỏe đã dần hồi phục.
Nói về đêm 14/5, khi bệnh viện tiếp nhận hàng chục người bị thương từ trong Kỳ Anh chuyển ra, là người duy nhất trong BV hiểu tiếng Trung, bác sỹ Nguyễn Đông Phong, khoa Nội – Đông Y (BV Đa Khoa TP Hà Tĩnh) cho biết, lúc mới nhập viện, những công nhân TQ tỏ ra hoang mang, lo sợ và thường tập trung một chỗ, không ai dám đi đâu.
Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng các nhân viên y tế dùng cử chỉ, ánh mắt thay cho lời nói , người TQ thấy được sự thân thiện đó nên rất yên tâm. |
Sau khi kiểm tra ban đầu, một số bệnh nhân được chuyển lên các phòng tầng 2, tầng 3 để dễ chăm sóc thì họ không chịu đi vì lo sợ không an toàn, sẽ có người vào đánh.
Các y, bác sỹ phải rất vất vả giải thích để họ hiểu thì mời chịu lên. Và sau khi được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình, họ rất vui vẻ, tinh thần đã ổn định trở lại, cười nói vui vẻ.
Việc bất đồng ngôn ngữ cũng là một khó khăn trong quá trình sơ cứu, điều trị. Nhưng những lao động TQ và các nhân viên y tế đã dùng ánh mắt, cử chỉ để bước qua “rào cản” đó.
“Mình không hiểu được ngôn ngữ của họ và ngược lại là một cái khó. Cả khoa chỉ có một tình nguyện viên phiên dịch nên không phải lúc nào cần cũng có mặt. Vì thế chúng tôi phải luôn tươi cười, vui vẻ, dùng hành động thay cho lời nói để những bệnh nhân TQ được an tâm, họ cũng sẽ bớt lo lắng một phần. Sau gần 2 ngày tiếp xúc với những công nhân TQ, tôi thấy họ rất dễ gần, hòa đồng” – bác sỹ Ngô Thị Thúy Diễn (BV ĐK TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Nhờ vào phiên dịch viên “bất đắc dĩ” - bác sỹ Nguyễn Đông Phong, PV đã có cuộc nói chuyện với anh Liu Yong Hui (32 tuổi, là một công nhân TQ làm việc tại khu kinh tế Vũng Áng).
Hui cho biết, sức khỏe đã đỡ hơn nhiều nhưng vụ xô xát đã làm anh mất hộ chiếu, việc trở về nhà sẽ gặp khó khăn.
Bữa ăn của những bệnh nhân TQ tại BV ĐK TP Hà Tĩnh. |
“Nhờ sự chăm sóc chu đáo, ân cần của các bác sỹ mà tình hình sức khỏe của tôi khá lên rất nhiều. Ở nhà người thân đang rất lo lắng nên tôi muốn thông báo về cho gia đình là mọi việc đều ổn. Tôi cũng như đồng nghiệp không hề mong muốn xảy ra cuộc xô xát đó. Tinh thần của chúng tôi đã trở lại bình thường, không ai còn lo sợ như trước đó nữa. Cảm ơn các bác sỹ đã chăm sóc cho chúng tôi” – anh Hui nói.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Ngọc Châu – GĐ Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, đang tích cực chỉ đạo anh em chăm sóc cho những công nhân TQ thật tốt về cả vật chất lẫn tinh thần, giúp họ sớm vượt qua khó khăn trước mắt. Hiện tình hình sức khỏe của tất cả những bệnh nhân này đều cơ bản đã ổn định.
Văn Đức – Duy Tuấn