Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 11/3, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, "căn cứ vào mức độ lây lan đáng báo động và tính nghiêm trọng của bệnh cũng như mức độ thiếu hành động ứng phó đáng cảnh báo", WHO đánh giá Covid-19 đã hội đủ các đặc điểm là đại dịch.

{keywords}
Các nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 tại một bệnh viện ở Brescia, miền bắc Italia. Ảnh: AP

Theo AP, hồi tháng 1, WHO tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nhưng từ chối gọi đây là "đại dịch". Tổ chức định nghĩa, đại dịch là khi một căn bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan từ người sang người ở nhiều nơi trên thế giới. Nói một cách khác, người dân toàn cầu đều có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ông Ghebreyesus nói, nâng đánh giá về Covid-19 không đồng nghĩa với việc các nước nên từ bỏ những nỗ lực ngăn chặn virus corona chủng mới. Thay vào đó, họ cần cố gắng gấp đôi và tích cực hơn nữa trong công tác phòng chống và chặn đứng Covid-19.

Tính đến sáng 12/3, đại dịch đã tấn công 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 126.000 người và cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.614 người, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục.

Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Italia tăng kỷ lục

Nhà chức trách y tế Italia ngày 11/3 cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ, nước này có thêm 2.313 ca nhiễm mới Covid-19 và 196 trường hợp tử vong vì virus. Đây là số lượng mắc bệnh mới và tử vong cao kỷ lục trong một ngày tại quốc gia Nam Âu này.

Tính đến sáng 12/3, tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới tại Italia đã lên tới 12.462 người với 827 người đã thiệt mạng vì bệnh, nhiều thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm 11/3 thông báo sẽ đóng cửa mọi nhà hàng, quán bar và các cửa hàng trên khắp cả nước để ngăn chặn virus lây lan. Chỉ có các hiệu thuốc và siêu thị được phép tiếp tục hoạt động. Theo ông Conte, Rome sẽ phân bổ thêm 25 tỷ Euro từ ngân sách cho cuộc chiến chống đại dịch.

Trước đó, Trung Quốc cho hay, nước này sẵn sàng hỗ trợ y tế cho Italia phòng chống Covid-19. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra đề nghị trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Italia Luigi Di Maio hôm 10/3, đáp lại lời kêu gọi trợ giúp của ông Di Maio trong bối cảnh Italia đang thiếu hụt thiết bị y tế và thuốc men.

Châu Âu tăng cường các biện pháp chống đại dịch

Ngoài Italia, tình hình Covid-19 ở Anh cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều chuyên gia cảnh báo đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy, đảo quốc sương mù có nguy cơ bùng phát dịch quy mô lớn như ở Italia. Tính đến sáng 12/3, Anh đã có 456 ca dương tính với virus corona chủng mới với 8 người đã thiệt mạng vì bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nadine Dorries đã trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Anh mắc Covid-19. Đáng nói, bà Dorries bắt đầu bộc lộ triệu chứng bệnh từ ngày 5/3, cùng thời gian bà tham dự một sự kiện do Thủ tướng Boris Johnson chủ trì tại số 10 phố Downing.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel ngày 11/3 gây sốc khi tuyên bố 60 - 70% người dân nước này sẽ nhiễm Covid-19 khi virus corona lây lan nhanh trong cộng đồng trong bối cảnh các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vắc-xin hoặc thuốc đặc trị. Lãnh đạo chính phủ Đức kêu gọi người dân thấu hiểu và tuân thủ các biện pháp phòng chống đại dịch mà nhà chức trách đang triển khai như hủy các sự kiện văn hóa, thể thao, cấm tụ tập đông người nơi công cộng, ... Đức hiện đã có 1.908 trường hợp dương tính với Covid-19 và 3 ca tử vong vì virus.

Theo CNN, trong ngày 11/3, Ireland và Bỉ đã ghi nhận các ca tử vong đầu tiên vì Covid-19.

Hungary ra lệnh cấm nhập cảnh đối với mọi du khách không phải là công dân nước này và đến từ các "điểm nóng" về đại dịch trên thế giới như Trung Quốc, Italia, Hàn Quốc và Iran, sau khi số trường hợp dương tính với Covid-19 trong nước tăng lên 13 người. Chính phủ Hungary cũng đóng cửa mọi trường học cũng như cấm tụ tập hơn 100 người trong các không gian đóng kín và 500 người bên ngoài nơi công cộng để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Trong khi đó, Na Uy quyết định hủy tổ chức một cuộc tập trận lớn của NATO vào ngày 12/3, dự kiến quy tụ tới 15.000 binh sĩ từ cả Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Bỉ ở miền bắc nước này vì lo ngại Covid-19. Động thái diễn ra sau khi một binh sĩ của Na Uy được phát hiện dương tính với virus corona, khiến cả 250 người trong đơn vị của anh phải cách ly kiểm dịch.

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Na Uy có thêm 229 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh ở nước này lên 629 người. May mắn, chưa có người nào trong số này thiệt mạng vì virus.

23 bang của Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19

CNN trích dẫn thông báo của các quan chức y tế Mỹ cho hay, đến hết ngày 11/3, nước này ghi nhận ít nhất 1.162 người nhiễm Covid-19. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê, 70 trường hợp trong số đó là các công dân hồi hương từ nước ngoài.

Virus corona chủng mới hiện đã lây lan khắp 41 bang và quận Columbia của Mỹ. Thêm 7 ca tử vong trong ngày 11/3 đã nâng tổng số người thiệt mạng vì bệnh đến hiện tại ở nước này lên 37 người. 23 bang và thủ đô Washington đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch.

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra công điện khẩn yêu cầu các nhân viên và phái bộ trực thuộc trên khắp thế giới ngưng tất cả các chuyến công du "không cần thiết" để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 tổ chức trực tuyến để phòng ngừa Covid-19

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/3 thông báo, Hội nghị Ngoại trưởng G7 sẽ được tổ chức trực tuyến thay vì diễn ra tại thành phố Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania của nước này như kế hoạch ban đầu. Sự kiện là bước chuẩn bị cho Thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 6 tại Trại David, Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp đó có chuyển sang họp trực tuyến hay không.

Trung Đông oằn mình chống đại dịch

Iran ngày 11/3 xác nhận có thêm 958 ca dương tính với virus corona chủng mới chỉ trong vòng 24 giờ qua, một mức tăng kỷ lục, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lên 9.000 người. Bộ Y tế Iran cũng ghi nhận 63 ca tử vong mới vì Covid-19 trong ngày, nâng tổng số thiệt mạng vì đại dịch tại quốc gia Hồi giáo lên 354 người.

Truyền thông Iran đưa tin, thêm một phó tổng thống và hai bộ trưởng của nước này vừa được xác nhận dương tính với virus corona chủng mới. Trước các quan chức trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Iraj Harirchi, Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề phụ nữ và gia đình Masoumeh Ebtekar cũng như lãnh đạo Ủy ban an ninh và đối ngoại Quốc hội Mojtaba Zolnour cũng bị nhiễm Covid-19. Quốc hội Iran đã tạm dừng hoạt động vô thời hạn nhằm phòng ngừa virus lây lan sau khi có tới 8% nghị sĩ mắc bệnh.

Trong khi đó, Bộ Y tế Bahrain thông báo, 77 người trong tổng số 165 công dân nước này được sơ tán khỏi Iran đã kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Những trường hợp này sẽ được đưa tới một bệnh viện để điều trị cách ly. Tính đến thời điểm hiện tại, Bahrain có tổng cộng 195 ca dương tính với virus corona.

Tại Israel, nhà chức trách yêu cầu các công dân hồi hương từ nước ngoài tự cách ly trong 2 tuần. Đến thời điểm hiện tại, nước này đã có 97 người nhiễm Covid-19 và chưa có ai tử vong vì dịch.

Chính phủ Israel hôm 11/3 công bố một gói tài chính trị giá gần 3 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch khi ngành khách sạn của nước này lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử vì sự hoành hành của virus corona.

 

Tuấn Anh