Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nhận định, hiện các nước có tất cả các công cụ để làm điều đó.

“Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ 3 và chúng ta đang ở thời điểm quan trọng”, ông Tedros cho biết tại cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức, Svenja Schulze.

"Chúng ta phải phối hợp cùng nhau để kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19. Chúng ta không thể để dịch tiếp tục kéo dài, lẩn quẩn giữa hoảng loạn và lơ là".

{keywords}

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO

Ngày 24/1, ông Tedros cho biết Đức đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất của WHO, nhưng không thông tin chi tiết. Trong lịch sử, Mỹ đóng góp tài chính nhiều nhất trong số các quốc gia thành viên.

Bộ trưởng Schulze thông tin, ưu tiên hàng đầu của Đức, nước đã đảm nhận vị trí Chủ tịch G7, là chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới. Bà kêu gọi tăng tốc chiến dịch tiêm chủng toàn cầu để đạt được mục tiêu đó.

Sự kiện ở Geneva (Thụy Sĩ) mở đầu cho một tuần họp của Ban chấp hành WHO. Nhiều vấn đề về tương lai của của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc sẽ được thảo luận. Trong đó có việc tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông Tedros và đề xuất để WHO độc lập hơn về tài chính.

Trước đó, Giám đốc WHO châu Âu, Hans Kluge, nhận định, đại dịch Covid-19 ở châu Âu đã sang một giai đoạn mới và có thể kết thúc do tác động của Omicron. Ông Kluge cho rằng tới tháng 3, 60% người dân châu Âu có thể nhiễm biến thể này.

“Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có một khoảng thời gian yên tĩnh trước khi Covid-19 có thể quay trở lại vào cuối năm, nhưng không nhất thiết là đại dịch”, ông Kluge nói.

Dù vậy, đại diện của WHO châu Âu vẫn cảnh báo “virus này đã khiến chúng ta bất ngờ không chỉ một lần, bởi vậy vẫn phải rất thận trọng”.

Trong đại dịch Covid-19, trên toàn thế giới có 351 triệu ca nhiễm, 5,6 triệu người tử vong.

Omicron, biến thể được chứng minh ít nghiêm trọng hơn so với Delta, ít nhất ở những người đã tiêm vắc xin, đang làm dấy lên hy vọng Covid-19 bắt đầu chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu như cúm mùa.

An Yên (Theo Reuters)

Hình ảnh thể hiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ vắc xin thế giới

Hình ảnh thể hiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ vắc xin thế giới

WHO đặt mục tiêu các nước cần có 70% dân số tiêm chủng đầy đủ vào giữa năm 2022. Hiện nay, tỷ lệ này ở Việt Nam vào khoảng 60%.