Sau khi nhận được văn bản trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trả hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khu đô thị mới Đan Phượng tại các xã Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Hà (huyện Đan Phượng) cho Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex, nay là WTO). 

Nhiều dự án đầu tư dở dang

Đáng lưu ý là việc rút hồ sơ trên được WTO đưa ra sau khi các bộ, ngành trung ương và TP Hà Nội cơ bản hoàn thành cho ý kiến thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. 

Theo hồ sơ dự án, khu đô thị mới Đan Phượng có quy mô sử dụng đất 145ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.128 tỷ đồng, dân số khoảng 13.800 người.

Đánh giá về năng lực tài chính của nhà đầu tư WTO, tại văn bản cho ý kiến hồi tháng 6/2022, Bộ Tài chính cho biết, theo pháp luật đất đai vốn sở hữu của nhà đầu tư tham gia vào dự án khu đô thị mới Đan Phượng không thấp hơn 2.869 tỷ đồng.

Nhà đầu tư WTO đề xuất huy động khoảng 3.002 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có từ nguồn tiền mặt, tiền tích luỹ của doanh nghiệp và vốn góp của cổ đông.

Bộ Tài chính cho rằng, vốn chủ sở hữu của WTO tại thời điểm kết thúc năm 2021 là 13.008 tỷ đồng, lớn hơn số vốn tổng công ty phải góp vào dự án khu đô thị mới Đan Phượng, nhưng vốn lưu động ròng thể hiện khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn của tổng công ty là 97,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức vốn góp tối thiểu phải góp vào dự án theo quy định pháp luật.

Hơn nữa, WTO đang đầu tư dở dang nhiều dự án khu đô thị khác như: Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch quy mô 140ha (huyện Hoài Đức, Hà Nội); dự án toà nhà văn phòng 737-739 Trần Hưng Đạo (TP.HCM); dự án khu 2 Bình Chánh (TP.HCM)… 

vietracimex vietnamnet.jpeg
Một góc dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội (nay là Hinode Royal Park) do Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (WTO) làm chủ đầu tư. (Ảnh: Anh Nguyễn) 

Đây cũng là những dự án mà nhà đầu tư WTO phải đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu tham gia dự án theo quy định pháp luật, tương đương 15% tổng vốn đầu tư dự án.

“Để có vốn làm dự án khu đô thị mới Đan Phượng, tháng 3/2022, WTO thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng để thực hiện khu đô thị mới Đan Phượng, song hồ sơ dự án chưa có tài liệu chứng minh tính khả thi và phương án tăng vốn điều lệ thêm từ 4.000 lên 5.000 tỷ đồng của nhà đầu tư”, Bộ Tài chính nêu.

Một điểm đáng chú ý khác được Bộ Tài chính đưa ra trong văn bản thẩm định dự án khu đô thị mới Đan Phượng là nhà đầu tư WTO dự kiến huy động 7.328 tỷ đồng từ khách hàng để thực hiện dự án, song hồ sơ đề xuất dự án lại chưa thuyết minh rõ việc huy động vốn để thực hiện dự án. Do vậy, chưa có cơ sở có ý kiến đánh giá về tính khả thi của việc huy động vốn này. 

Về phân kỳ đầu tư dự án thành 4 giai đoạn, kéo dài 9 năm, theo Bộ Tài chính cần rà soát lại, thực hiện phân kỳ đầu tư hợp lý, xác định cụ thể tiến độ triển khai các hạng mục của dự án...

Ý kiến trái chiều trong cách lựa chọn nhà đầu tư

Tại văn bản cho ý kiến vào tháng 5/2022, theo Bộ Xây dựng, khu đô thị mới Đan Phượng có cơ cấu đầu tư sơ bộ gồm 2.834 căn nhà, trong đó có 2.000 căn nhà ở thương mại (1.516 liền kề và 484 nhà biệt thự) và 834 căn chung cư nhà ở xã hội. 

Trong khi theo quy định của Luật Nhà ở đối với đô thị đặc biệt thì chủ yếu phát triển nhà chung cư, nhà cho thuê, do đó bộ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu TP Hà Nội rà soát lại nội dung này của dự án.

Cũng theo Bộ Xây dựng, dự án khu đô thị mới Đan Phượng chưa đủ điều kiện áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì hồ sơ đề xuất dự án không thể hiện dự án thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt, không có trong danh mục kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố.

Tuy nhiên, trong văn bản cho ý kiến của UBND TP Hà Nội vào tháng 10/2023, TP Hà Nội lại cho rằng, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khu đô thị mới Đan Phượng là có cơ sở, chấp thuận được vì dự án thuộc danh mục các dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa năm 2023 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua, khu đất thực hiện dự án chưa giải phóng mặt bằng, không đủ điều kiện tổ chức đấu giá.