Cách trung tâm thị trấn Phong Thổ khoảng 30 km, Huổi Luông là một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, với đường biên giới dài gần 14 km với 15 cột mốc. Toàn xã có 21 bản với 1.411 hộ gia đình, 7.497 nhân khẩu; gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó, dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông chiếm đa số.

Với đặc thù là xã biên giới khó khăn, cùng với đồng bào dân tộc thiểu số đông nên việc xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều vướng mắc. Bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã Huổi Luông đạt 1/19 tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc huy động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.

{keywords}
Xã biên giới Huổi Luông đã thay da đổi thịt

Ông Hoàng A Dọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huổi Luông phấn khởi cho biết, được sự hỗ trợ vốn từ Trung ương, tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ và sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Huổi Luông, sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn của xã biên giới đã thay da đổi thịt. Đến nay, xã đạt được 15/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại xã đang tập trung hoàn thiện, phấn đấu 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đời sống của người dân hiện nay được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Lao động có việc làm trong độ tuổi lao động đạt trên 90%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hơn 95%, 100% các bản được sử dung điện lưới quốc gia…

Trong phát triển kinh tế, hiện xã có một hợp tác xã Hùng Mé thu gom sản phẩm nông nghiệp và có 1 mô hình cây xoài liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối, sắn, nghệ đen, gừng, kết hợp với chăn nuôi. Từ đó, tạo thu nhập ổn định cho người dân, cải thiện đời sống, hiện xã Huổi Luông được đánh giá là xã có mức thu nhập cao của huyện Phong Thổ.

Quốc Khánh
Ảnh: Lương Bằng