Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng công nghệ số

Chợ Bộc Bố là chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Pác Nặm tính đến thời điểm này. Nếu như trước đây, người dân trên địa bàn huyện mang hàng hóa ra chợ bán chỉ tiếp cận được với người mua hàng tại địa phương theo hình thức trực tiếp thì hiện nay với sự góp sức của tổ công nghệ số cộng đồng, đồng thời có hệ thống wifi công cộng và bảng mã QR Code, bà con đã biết sử dụng tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, trên mạng xã hội để giới thiệu, mua bán sản phẩm hàng hóa.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi người dân và mỗi hộ gia đình đều có thể quảng bá các sản phẩm, dễ dàng trao đổi mua bán, mang lại doanh thu cao hơn.

Chị Lê Thị Thơi, tiểu thương tại chợ Bộc Bố cho biết: “Nhờ có công nghệ số, mạng xã hội phát triển, tôi đăng các sản phẩm lên mạng xã hội thì mọi người tiếp cận được nhiều hơn. Khách có nhu cầu đặt hàng thì tôi sẽ ship tận nơi đối với khách ở gần, khách ở xa nếu tiện xe khách thì sẽ gửi xe còn không thì sẽ gửi chuyển phát nhanh qua Bưu điện, Viettel. Nhờ có công nghệ số phát triển tôi thấy bán hàng thuận lợi hơn, bán được nhiều hàng hơn”.

Để hoạt động của tổ công nghệ số đi vào chiều sâu và có hiệu quả, ngay từ khi mới triển khai, xã Bộc Bố đã chỉ đạo các thôn, bản giao nhiệm vụ cho trưởng thôn, bí thư chi bộ các thôn, bản thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, bản.

Mỗi thôn, bản thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng, gồm trưởng thôn, bản và tối thiểu 2 nhân sự. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm đã và đang đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt  và hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các nền tàng công nghệ số và các ứng dụng thương mại số, thanh toán số tại các gia đình, bên cạnh tuyên truyền để người dân hiểu về tiện ích cũng như lợi ích mà người dân được thụ hưởng khi sử dụng các nền tảng này.

Đến nay, xã Bộc Bố hiện có 01 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 10 thành viên; 15 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 100 thành viên.

Hướng dẫn người dân cách sử dụng tài khoản dịch vụ công trực tuyến

Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố cho biết: “Để thuận tiện trong quá trình thực hiện công việc, tôi đã thành lập 1 nhóm zalo chung của thôn. Mọi văn bản của cấp trên chỉ đạo xuống, chúng tôi chuyển trực tiếp lên nhóm zalo để tất cả các hộ gia đình kịp thời cập nhật thông tin. Nhờ đó, mọi chủ trương, chính sách, ý kiến chỉ đạo của chính quyền đều đến với người dân kịp thời và chính xác”.

Với sự quan tâm của lực lượng công an, Đoàn thanh niên và sự phối hợp của MTTQ các thôn, bản, tổ công nghệ số cộng đồng đã hoạt động hiệu quả, giúp người dân tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và từng bước trở thành công dân số.

Với việc triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng, xã Bộc Bố đã phát triển được hơn 400 tài khoản VNeID, hơn 2.000 tài khoản thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, hai năm liên tiếp xã đạt giải tập thể cuộc thi trực tuyến Chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2023 và 2024; được cấp trên khen thưởng nhiều thành tích trong chuyển đổi số năm 2023…

Ông Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND xã Bộc Bố cho biết: “Trong năm 2024, xác định việc tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số ở địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xã Bộc Bố đã đặt ra nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, Nhân dân về chuyển đổi số; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bà con nhân dân trên địa bàn còn khó khăn về kinh tế nên chưa trang bị được các thiết bị thông minh. Bên cạnh đó, do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng nên phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung”.

Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng mô hình tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Bộc Bố đã và đang cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Hoạt động của tổ đã góp phần đưa công nghệ số, nền tảng số và kỹ năng số đến gần hơn với người dân, đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường số, góp phần từng bước thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện Pác Nặm./.

Theo Mai Luyến (TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC KẠN)