Phước Chỉ là xã biên giới phía Tây của thị xã Trảng Bàng, có diện tích tự nhiên hơn 4.800 ha, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) với không ít khó khăn, thử thách, song 10 năm trở lại đây, xã như khoác lên mình “chiếc áo mới”.
Sau khi về đích NTM vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng thành công xã NTM nâng cao, đề ra nhiều giải pháp với quyết tâm cao, trong đó xác định rõ vai trò chủ thể quan trọng của người dân. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền. Theo đó, vận động một cách thường xuyên, sâu rộng cũng như luôn đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, sự đồng thuận và vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các ngành, đoàn thể đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Trảng Bàng chung sức xây dựng NTM”, lồng ghép với phát động thi đua qua các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, đặc biệt là phong trào “Trảng Bàng chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài ra, xã còn tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài xã hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình (nhà ở, hỗ trợ người nghèo, công trình phúc lợi…).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trong xây dựng NTM nâng cao, xã đã huy động nguồn lực hơn 81,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh, thị xã là hơn 24,4 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 51,5 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, thành phần kinh tế hơn 2,2 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp hơn 3,2 tỷ đồng.
Xác định hạ tầng là yếu tố quan trọng, xã tiến hành chỉnh trang nâng cấp đường giao thông lên một mức cao hơn. Khi xã đạt chuẩn NTM, hầu hết những con đường của địa phương đều đã được cứng hóa. Để đáp ứng yêu cầu của xã NTM nâng cao, xã tuyên truyền, vận động người dân trồng hoa, cây xanh, thường xuyên quét dọn để đảm bảo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Từ năm 2021 - 2023, xã đã vận động doanh nghiệp nâng cấp 04 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài 6,4 km; xây dựng 04 cây cầu giao thông nông thôn; thắp sáng đường quê hơn 30 km… Hiện nay, tỷ lệ đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường thị xã có trồng cây xanh 2 bên đường đạt 51,29%; tỷ lệ đường trục ấp, liên ấp có trồng cây xanh 2 bên đường đạt 50,79%.
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. 100% các hộ dân trên địa bàn sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định.
Về tiêu chí giáo dục, từ năm 2020 đến nay, xã đã đầu tư trên 6,3 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng mới các phòng học. Đến nay, xã có 03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại với đầy đủ các phòng học chức năng, bộ môn, tạo điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học.
Về kinh tế, Phước Chỉ đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; trong đó phát huy thế mạnh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp với cây trồng chủ lực là lúa. Hiện trên địa bàn xã có 13 tổ hợp tác, 04 HTX hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định.
Xã chú trọng tạo việc làm gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc đào tạo các ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp gắn với hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp; phối hợp tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho lao động tại địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, nhất là đối tượng thanh niên đi làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.
Song song đó, khuyến khích lao động chuyển đổi sang ngành nghề phi nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thu nhập bình quân đầu người/năm của xã đã tăng từ 59,2 triệu đồng năm 2020 lên mức 81,1 triệu đồng năm 2023.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, toàn xã có 96,48% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trạm y tế xã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Trung tâm Văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã, 100% nhà văn hóa ấp được lắp các dụng cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời.
Các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Năm 2023, có 11/11 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa, có 96,54% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.