Giám đốc Ban quản lý Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 Nguyễn Đức Hữu giải thích, để bảo đảm nước thải sau khi xử lý xả thải ra môi trường, nhà máy đã ký hợp đồng với Công ty Aquaflow (AQF) đến từ Phần Lan cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt, chạy thử và chuyển giao, đảm bảo nước thải sau xử lý không gây ô nhiễm môi trường.
"Nhà máy được xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 50.000 m3/ngày đêm. Các thông số chất lượng nước thải sau xử lý được tự động gửi trực tiếp về Bộ TN&MT…" - ông Hữu nói.
Sau khi nghe giải thích từ phía nhà máy, người dân bày tỏ lo lắng khi xả thải sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng sống....
Bà Nguyễn Thị Bông, ở thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) cho rằng, nhà máy giải thích nguồn nước xả thải ra môi trường sẽ không gây độc hại, nhưng người dân chúng tôi không tin. Bởi, nhà máy đặt tại xã Bình Phước (Bình Sơn) nhưng đường ống xả thải lại dự kiến xả thải ra vịnh Việt Thanh, xã Bình Hải, nên chúng tôi không đồng tình.
Bà Phù Thị Ánh Tuyết (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) cho biết, theo thông báo của nhà máy thì đường ống xả thải đi ngang qua ruộng nhà tôi, nhưng gia đình không đồng ý. Người dân chúng tôi chủ yếu sống nhờ vào vùng biển vịnh Việt Thanh, nếu nhà máy đặt đường ống xả thải thẳng ra đó thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của người dân.
Ngoài những ý kiến nêu trên, đông đảo người dân cho rằng, vịnh Việt Thanh là “cánh đồng” mưu sinh của người dân, đồng thời cũng là địa điểm du lịch lý tưởng, thu hút khách du lịch, giúp người dân phát triển kinh tế, giờ Nhà máy bột giấy Bột- Giấy VNT-19 đặt ống xả thải thẳng ra vịnh Việt Thanh thì chắc không ai dám đến khu vực này để tắm, tham quan.
Buổi tham vấn chỉ diễn ra trong hơn 30 phút đã vấp phải đa số ý kiến không đồng thuận, người dân đã đồng loạt bỏ về…
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho biết, huyện cầu thị lắng nghe tất cả ý kiến của người dân liên quan đến dự án xây dựng Nhà máy Bột- Giấy VNT-19 tại buổi tham vấn, nhưng rất tiếc người dân đã bỏ về rất nhiều.
Ông Dụng cho rằng, điểm xả thải của nhà máy ra vịnh Việt Thanh chỉ cách điểm xả thải của Nhà máy lọc dầu Dung Quất 1km. Nếu xảy ra sự cố về môi trường, thì lập tức Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có văn bản kiến nghị.
"Do đó, công nghệ sản xuất của nhà máy phải đạt quy trình chất lượng tiên tiến của Châu Âu. Nếu không sử dụng công nghệ tiên tiến thì dứt khoát chủ đầu tư cũng tự giết mình, bởi khi nhà máy xảy ra sự cố, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân thì mọi hoạt động của nhà máy sẽ phải tạm dừng...", - ông Dụng cảnh báo.
Công ty CP Bột-Giấy VNT19 được triển khai trên diện tích 117ha tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với quy mô công suất 350.000 tấn/năm. Nhà máy được tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011, khởi công xây dựng năm 2015. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng. Theo dự kiến nhà máy sẽ vận hành vào cuối năm 2023. |
Ngọc Viên