Sáng 1/5, trao đổi với PV VietNamNet, ông Văn Đình Du - Chủ tịch UBND xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, ngày 30/4, ông Văn Đình Nam (trú xã Thanh Khai) sau khi thu hoạch cây keo đã thuê người dọn thực bì, đốt lửa gây ra vụ cháy rừng.
“Cơ quan Công an đã mời 3 người được thuê đốt thực bì và chủ rừng sản xuất lên làm việc. Những người được thuê đốt đều không ở tại địa phương”, ông Du thông tin.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) Trình Văn Nhã cũng cho biết, chính quyền đã đề nghị lực lượng Công an huyện làm rõ, xử lý nghiêm những người liên quan trong vụ cháy rừng giữa thời tiết nắng nóng. Công an huyện đã mời 4 người liên quan vụ cháy rừng lên làm việc. Đồng thời, các cơ quan liên quan đang xác định diện tích rừng bị thiệt hại sau vụ cháy làm căn cứ xử lý.
"Trong lúc nắng nóng như hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo cấm đốt lửa khu vực gần rừng. Bước đầu xác định đối tượng ở xã Thanh Khai thuê người đốt thực bì", ông Nhã nói.
Cháy rừng tiếp diễn sang ngày thứ hai
Trong sáng nay, vụ cháy rừng tiếp tục diễn ra trên dãy núi Đụn ở xã Nam Thái (huyện Nam Đàn) và xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương), chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người mang theo dụng cụ, máy móc lên khống chế ngọn lửa.
Ngày hôm qua (30/4) ngọn lửa xuất phát từ khu vực Khe Ớt, chân núi Đụn (xã Thanh Khai) do người dân đốt thảm thực vật, lá thông khô cùng với thời tiết nắng nóng 42 - 43 độ C khiến ngọn lửa bùng ra diện rộng, lan sang rừng thông xã Nam Thái (huyện Nam Đàn).
Cũng trong ngày 30/4, chính quyền đã huy động khoảng 500 người tham gia khống chế ngọn lửa. Đến hơn 22h cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế.
Đến sáng 1/5, ngọn lửa tiếp tục bùng cháy tại khu vực rừng xã Nam Thái và lan sang rừng xã Thanh Khai. Chính quyền xã, huyện Thanh Chương đã điều động gần 100 người, đến hơn 10h mới dập tắt được đám cháy.
Anh Nguyễn Minh Phúc, công tác tại huyện đội Nam Đàn chia sẻ: “Từ ngày hôm qua hàng chục cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau lên núi Đụn dập lửa. Thời tiết nắng nóng, chúng tôi chủ yếu mở đường băng cản lửa, ngăn đám cháy không lan trên diện rộng. Việc mở đường băng cản lửa đối với rừng thông là rất khó khăn, chỉ cần một mồi lửa nhỏ kèm theo gió phơn thổi mạnh thì ngọn lửa lại bùng trở lại”.
Ông Văn Bá Ngọ, Tổ trưởng bảo vệ đường dây điện 500kV cho biết, ngọn lửa cháy từ trên đỉnh núi Đụn, nếu không kịp thời dập lửa thì nguy cơ đường điện 500kV sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Bằng mọi cách phải bảo vệ cột điện, đường dây truyền tải điện”, ông Ngọ nói.
Trưa 1/5, cán bộ truyền tải điện ở Nghệ An cũng huy động thêm người dùng máy móc, dao để phát những cây thông gần cột điện 500kV, tránh nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Hiện, chính quyền địa phương ở Nghệ An vẫn chưa thống kê hết số liệu thiệt hại trong vụ cháy rừng 2 ngày qua trên dãy núi Đụn.