Dùng mạng xã hội phải chính danh

Từ 25/12/2024, chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành mới đây.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP gồm 6 chương, 84 điều, quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, thông tin trên mạng; Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Đáng chú ý về quy định cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, tại Điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Theo đó, chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Như vậy có thể thấy, xác thực danh tính người dùng mạng xã hội sẽ giúp môi trường mạng trong sạch hơn, siết chặt được các hành vi lừa đảo qua mạng, đồng thời bảo vệ người dùng khi xảy ra các tranh chấp khiếu kiện nếu có (với các tài khoản của cá nhân, tổ chức kinh doanh hay chính trị xã hội). Thông qua sự chính danh này, những hành vi phản cảm trên mạng cũng theo đó được dần dần loại bỏ.

Môi trường mạng xã hội sẽ văn minh hơn

Thực tế, mạng xã hội hiện nay không chỉ là nơi giao lưu, chia sẻ thông tin hay giải trí của người dùng; đó cũng là môi trường làm việc, bán hàng, kinh doanh của nhiều tổ chức và cá nhân (Facebook Shop, TikTok Shop…). Chính vì sự đa dạng mục đích sử dụng nên việc nhiều đối tượng xấu lợi dụng môi trường này hoạt động lừa đảo, kích động bạo lực, bôi nhọ danh dự người khác, thóa mạ các cá nhân… diễn ra thường xuyên, do việc đăng ký một tài khoản mạng xã hội trước đây quá dễ dàng và việc xác thực danh tính người dùng chưa được chú ý.

Tuy nhiên, từ 25/12 tới đây những hiện tượng tiêu cực nói trên dường như không còn đất sống. Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS), yêu cầu xác thực danh tính người dùng có thể coi là biện pháp mạnh nhất nhằm đưa hoạt động trên các mạng xã hội đi vào nề nếp, góp phần đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng vừa góp phần nâng cao các lớp bảo vệ về an ninh mạng.

z6117063687885_d9fd83f92c3d68ad8e50ff8a9fe8377f.jpg
Người sử dụng mạng xã hội dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ phải đăng ký bằng thông tin của mình và có trách nhiệm giám sát, quản lý việc trẻ em truy cập và đăng tải thông tin.

“Đây cũng có thể coi là giải pháp sẽ ngăn chặn được tình trạng mạo danh, đồng thời khắc chế được tình trạng một số người dùng “hỗn mỏ” khi lên mạng hiện nay”, ông Sơn tự tin. Được biết, theo Nghị định 147, với những người dùng đã hoạt động, việc xác thực sẽ phải được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ khi nghị định có hiệu lực. Trường hợp người sử dụng dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ đăng ký bằng thông tin của mình và có trách nhiệm giám sát, quản lý việc trẻ em truy cập và đăng tải thông tin.

Đáng chú ý, người sử dụng mạng xã hội sẽ có thêm quyền quyết định cho phép hoặc không, đối với việc sử dụng thông tin cho mục đích quảng cáo. Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ (Facebook, Google, TikTok…) cũng sẽ phải lưu trữ thông tin người dùng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản, gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại tại Việt Nam hoặc số định danh cá nhân/số CCCD. Ngoài ra, với các nội dung vi phạm pháp luật, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm chậm nhất 24 giờ kể từ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, các tài khoản, trang, nhóm, kênh bị tạm khóa 3 lần hoặc đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, mạng xã hội sẽ phải khóa vĩnh viễn việc truy cập từ Việt Nam. Biện pháp này sẽ loại bỏ được phần lớn các tài khoản, trang, nhóm, kênh đưa tin sai sự thật, lừa đảo hay xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức một cách tràn lan như trước đây, qua đó xây dựng môi trường mạng xã hội tại Việt Nam ngày một văn minh hơn.

Thực tế, trước khi Nghị định 147 có hiệu lực, nhiều người dùng Facebook đã chủ động khóa trang cá nhân để tự bảo vệ mình, một số khác chỉ lên mạng để bán hàng online hoặc dùng vào mục đích công việc thay vì hoạt động giải trí như trước đây. Có thể thấy, hành vi của người dùng mạng xã hội đang thay đổi và ngày một tốt lên theo chiều hướng văn minh, góp phần thúc đẩy xã hội số - đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia thực chất, đúng hướng.

Được biết, quy mô người sử dụng Internet tại Việt Nam tiếp tục mở rộng mạnh mẽ, đạt 87 triệu vào năm 2024 và được Statista dự báo là sẽ vượt quá 100 triệu vào năm 2029. Riêng người dùng mạng xã hội, số người dùng Zalo hàng tháng (tính đến 30/6/2024) là 76,5 triệu người dùng; người dùng Facebook là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và Tiktok là 67 triệu người dùng.