Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các địa phương, cơ quan và các đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình, triển khai rất nhiều đề án, nhiệm vụ và có các chính sách nhằm đưa sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đi xa hơn.
Việc thực hiện Chương trình trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả khả quan, mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên các vùng gặp khó khăn đã khởi sắc hơn, giải quyết được các vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, đi lại, vận chuyển.
Thời gian tới, cần đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương phân phối tại các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.
Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, bằng việc rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai, những nhóm nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao để cập nhật và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số.
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT Phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Công Thương thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, đề án nhằm hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở địa bàn miền núi.
Đó là các nhiệm vụ đề án: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi; phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi; phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, thương nhân làm công tác quản lý, phát triển thương mại miền núi,...
Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có lồng ghép triển khai các Chương trình và Đề án quốc gia như Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.