Theo văn bản Bộ NN-PTNT mới gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL và TP HCM, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 và sản xuất kinh doanh tại một số địa phương phía Nam, nhất là tại TP HCM ngày 11/7, Bộ này đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại địa phương (bao gồm chủng loại, sản lượng đang thu hoạch, sẽ thu hoạch dự kiến theo từng tháng đến hết năm 2021).

Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản của địa phương phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời dự báo những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, lưu thông tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết khó khăn.

Trước mắt, chỉ đạo các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, thành phố ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông, tiêu thụ nông sản; ưu tiên tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng nông sản.

Đối với TP HCM, đề nghị UBND thành phố thông tin kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm cần được cung ứng để đảm bảo cuộc sống của nhân dân trong điều kiện thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}
Nhiều loại nông sản đang bước vào chính vụ thu hoạch trong khi tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam (ảnh: Hải Dương)

Theo Bộ NN-PTNT, nhiều loại nông sản chuẩn đang bước vào vụ thu hoạch, đặc biệt là các loại trái cây chủ lực với sản lượng lớn như thanh long, xoài, chuối, dứa, vải, nhãn, dưa hấu,... nhưng lại gặp khó trong thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương vì dịch Covid-19.

Để giải quyết tình trạng trên, trước đó Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản gửi các bộ ngành đề nghị hỗ trợ “luồng xanh” cho xe vận chuyển nông sản giữa các địa phương và xuất khẩu, giảm chi phí cầu đường, bến bãi...; đồng thời, xin cấp “hộ chiếu vắc-xin” cho đội lái xe chuyên chở nông sản.

Trao đổi với PV.VietNamNet về câu chuyện tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tình trạng nông sản ùn ứ, rớt giá và phải giải cứu đang là câu chuyện lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo đó, cứ chỗ thừa bán giá rẻ, chỗ thiếu bán giá cao.

Ông cho rằng nguyên nhân do thiếu thông tin về mùa vụ, sản lượng, kế hoạch tiêu thụ cũng như kết nối cung cầu. Thế nên, thời gian tới cần thiết lập được kênh thông tin hai chiều. Trước khi thu hoạch 15-20 ngày, các cơ sở tại các địa phương phải chủ động gửi thông tin về Bộ để gửi tới hệ thống phân phối.

“Đừng để lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây chúng ta mới truyền thông, mới ra quân đi kêu giải cứu. Lúc đó muộn rồi vì giá đã giảm”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Hoan, các Sở NN-PTNT địa phương cần xác định trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất sản lượng nhiều, mà cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, làm sao kết nối được thị trường. Nếu không kết nối được thị trường, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng câu chuyện thành công từ quả vải thiều Bắc Giang, mà trước đó là vải thiều Hải Dương là một bài học về việc thông thương nông sản trong tình hình dịch Covid-19 vô cùng phức tạp. Họ có những kịch bản chi tiết về vùng sản xuất, sản lượng, về thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu… Từ đó bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ trong kết nối, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông phân phối. Ông mong các địa phương cũng sẽ xây dựng được kịch bản tiêu thụ nông sản như vậy để chúng ta thường trực ứng phó khi có biến động trên thị trường, khôngđể tình trạng ùn ứ xảy ra.

Ngoài ra, phải thiết lập hệ thống chuyển đổi số. Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin thường xuyên để các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh đó đang chuẩn bị thu hoạch lượng nông sản lớn. Có như vậy, các hệ thống phân phối mới chủ động được kho bãi, vận chuyển, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bài và ảnh: Thu Thủy