Các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng cần có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng về pháp lý để phân biệt giữa nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp.

Tại hội thảo “Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nước mắm truyền thống” ngày 11/11 tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp cho biết, kể từ khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát “toàn diện” về nước mắm, thực hiện trên 150 mẫu thuộc 88 nhãn hiệu, đến nay thì việc bán hàng của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nước mắm bị ngưng trệ, giảm sút...

{keywords}
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo ngày 11/11

Bà Ngân Hà, trưởng văn phòng đại diện của cơ sở nước mắm Nam Phan (Ninh Thuận) tại TP.HCM ấm ức kể lại: “Thiệt hại của chúng tôi vô cùng lớn, tới giờ vẫn chưa tính ra được con số. Chưa dừng lại ở đó, khách hàng hoang mang, hoảng sợ tẩy chay. Các siêu thị, cửa hàng, khách hàng trả hàng, chúng tôi phải xử lý dồn dập”.

Đại diện cơ sở Thông Hương – Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi bị ảnh hưởng tới nay chưa khắc phục được. Sức tiêu thụ giảm, uy tín sứt mẻ, phải giải thích với khách hàng nhiều, mất thời gian”.

Nguyện vọng chung của các doanh nghiệp, cơ sở SX nước mắm là phải có biện pháp tự vệ, bảo vệ để tránh bị sự cố như thời gian qua. Theo các chuyên gia, cần phải có chiến lược rõ ràng, minh bạch, được pháp luật bảo vệ từ đầu chứ không đợi đến khi bị đối thủ hạ gục rồi mới kêu cứu.

Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ TP.HCM chia sẻ: “Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ chủ trọng đầu tư vào tài sản hữu hình chứ chưa quan tâm sản phẩm vô hình. Trong khi đó xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay là đầu tư mạnh vào tài sản vô hình”. Theo đó, cần phải tiến hành thủ tục xác lập chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cũng như những phương pháp hiệu quả trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Nhiều chuyên gia khác cũng giới thiệu, trình bày và hướng dẫn các quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ v.v…

Đại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm từ Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận mong mỏi được Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, và có biện pháp tự vệ chính đáng để “người tốt không còn bị hãm hại” như sự cố vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho biết, sẽ kiến nghị sửa đổi một số quy định trong Luật cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trường hợp nếu có một bên thứ ba “đứng sau” thao túng đưa thông tin không trung thực, nói xấu doanh nghiệp thì có thể bị xử lý hành chính về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, cần có văn bản quy định pháp lý cụ thể về tiêu chuẩn, kỹ thuật phân biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp để người tiêu dùng lựa chọn.

Duy Chiến