Luật Thủ đô hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012. Sau 10 năm triển khai, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô 2012 đã góp phần gia tăng hiệu quả của công tác xây dựng, phát triển, quản lý của Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước thay đổi nhanh chóng, rất nhiều vấn đề mới phát sinh, nhiều quy định không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. 

Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành thành phố kết nối toàn cầu có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Đầu tháng 5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó yêu cầu thủ đô Hà Nội phải là thành phố kết nối toàn cầu có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội toàn diện, đặc sắc, hài hoà, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới. 

Sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 được xác định là việc làm cần thiết nhằm giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý thống nhất, thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được nghiên cứu xây dựng với 9 nhóm chính sách lớn: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai; Đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Nhằm thu hút các nguồn lực xã hội vào quá trình xây dựng luật, ngày 1/8, tại Hà Nội, Đảng ủy khối các trường đại học - cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội nhấn mạnh, hội thảo lần này là hoạt động triển khai thực kiện Kế hoạch 180 của Thành phố về góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô cũng như Kế hoạch 52 của Thành phố về truyền thông chính sách pháp luật.

Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" được tổ chức nhằm cung cấp các luận chứng khoa học góp phần hoàn thiện Luật Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển mới; tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.

Liên quan tới việc góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mong muốn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền theo nhiều hình thức khác nhau đến nhân dân, lấy ý kiến và tạo sự đồng thuận trong lòng nhân dân, bởi đây là luật liên quan trực tiếp đến nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ dự luật.

“Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí cần được triển khai sâu rộng, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; bám sát, thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các nội dung trước, trong và sau hội thảo nhằm tạo những điều kiện thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong tương lai, từ đó mang lại những giá trị sống tốt đẹp cho người dân”, ông Học nói.

Trước đó, cuối tháng 7/2023, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới. Hà Nội cần tổng kết thực tiễn để có căn cứ đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô; thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các quy định trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Dự thảo luật phải giúp tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay như phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, các dự án tồn đọng... 

Phạm Bình Minh, Lưu Văn Điệp, Nguyễn Xuân Long, Trần Thị Huệ