Những năm qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến năm 2023, tỉnh đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới. Toàn tỉnh có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. 

Ngoài ra, có 3/6 huyện, thị đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nông thôn mới, gồm huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát và TP Tân Uyên. Còn các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định, hiện đang bổ sung hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. 

W-IMG_2964 used.jpg
Năm 2023, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới. Hiện Bình Dương đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh, phát triển nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với mô hình “Làng thông minh”. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, tỉnh cũng đang lập quy hoạch vùng các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên gắn kết đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quá trình đô thị hóa của tỉnh. UBND các huyện, thị, thành phố đang tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng cho các xã, thay thế cho quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đến nay đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được 18/41 xã, đạt 44%.

Với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành và địa phương đã vượt qua khó khăn, nỗ lực huy động các nguồn lực nhằm đầu tư phát triển hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 trên 6.400 tỷ đồng. 

Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân; chất lượng giáo dục, y tế, nhất là công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ rệt; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thời gian qua, tỉnh Bình Dương chú trọng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Đến nay, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. 

Đồng thời, Chương trình OCOP cũng giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới. 

Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có 103 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó, có 93 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao của 60 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác,... 

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Mai Hùng Dũng, cho biết, tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc hướng đến mục tiêu cao nhất đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Do đó, kết quả đạt được là thành công bước đầu, tạo nền tảng, tiền đề cho việc triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Bình Dương đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh, vì vậy, việc phát triển nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với mô hình “Làng thông minh” để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. 

Để làm được điều này, thì các địa phương trong tỉnh cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, xã thương mại điện tử; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, một trong những điểm nhấn nổi bật của nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao là xây dựng "Làng thông minh", nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: Công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh, sạch... Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống cũng là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương.

Cuối tháng 6/2024, tỉnh Bình Dương công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Trong đó có xã Bạch Đằng (TP Tân Uyên) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về Văn hóa năm 2023, hiện đang được tỉnh Bình Dương thí điểm xây dựng "Làng thông minh" giai đoạn 2020-2025. Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc việc thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” và cùng với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Bình Dương sẽ có “Làng thông minh” đầu tiên.

Xã Bạch Đằng được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới từ năm 2010. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và được Bình Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, xã tiếp tục được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Xã Bạch Đằng trở thành điểm sáng điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, kết cấu hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khang trang; thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,97 lần so với năm 2014. 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “Làng thông minh”. 

Và mô hình “Làng thông minh” được xây dựng thí điểm tại xã Bạch Đằng là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục,… 

Việc xây dựng “Làng thông minh” của xã Bạch Đằng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh trong tương lai ở tỉnh Bình Dương, bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. 

Tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, có 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đặc biệt là hoàn thành xây dựng thí điểm "Làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020...