Năm 2023, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 3746/KH-UBND triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh đến năm 2025.
Mục tiêu kế hoạch là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Đào tạo tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thực sự đã đi vào cuộc sống, giúp người dân không chỉ có cuộc sống tiện nghi, hiện đại hơn mà còn nâng cao thu nhập. Trong đó, người dân chính là những chủ thể chuyển đổi số, tiêu biểu như việc livestream bán hàng trên mạng.
Chợ đêm 4.0 ở Tủa Chùa
Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có hơn 70% diện tích tự nhiên là núi đá. Nơi đây có nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc rất phong phú.
Hai năm trở lại đây, chợ đêm Tủa Chùa thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Phiên chợ mang đậm bản sắc văn hóa người H’Mông vùng Tây Bắc, họp từ 20h ngày thứ bảy đến 6h sáng chủ nhật hàng tuần. Tại đây các sản vật địa phương được bày bán đa dạng như: Khoai sọ tím, nghệ đen, gừng đen, thảo quả… và các loại thảo mộc, thảo dược của địa phương.
Không chỉ giao thương theo hình thức truyền thống, bà con còn sử dụng điện thoại thông minh livestream để tiếp cận các khách hàng khắp mọi miền đất nước, từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh…
Mỗi sạp hàng livestream bán hàng, chủ sạp sẽ trang bị khoảng 4 điện thoại, 1 đèn led hắt sáng, pin dự phòng. Hoạt động livestream diễn ra suốt đêm để chủ sạp giới thiệu những sản phẩm mình có. Khi giao dịch thành công, khách hàng chốt đơn, chuyển khoản đặt cọc và ngày hôm sau hàng sẽ được chuyển đi bằng phương thức gửi xe ô tô khách, gừi bưu điện hoặc chuyển phát...
Để quảng bá bản sắc văn hóa cũng như sản vật của địa phương, Ban quản lý chợ đã thiết lập 4 điểm phát wifi miễn phí phục vụ bà con bán hàng bằng hình thức trực tuyến được thuận lợi.
Cùng với phiên chợ 4.0, thời gian qua, chính quyền và người dân huyện Tủa Chùa tích cực, chủ động xây dựng và tham gia các sàn giao dịch điện tử, lập các trang fanpage để kết nối các mặt hàng nông sản của địa phương đến với các địa bàn trong nước cũng như nước ngoài. Các mặt hàng nông sản của địa phương đã giải quyết tốt đầu ra, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Nhờ hình thức buôn bán thời đại 4.0, chợ phiên Tủa Chùa ngày càng trở nên nổi tiếng, từ đó nâng cao đời sống của bà con, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện cũng như thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh tiêu thụ, nâng tầm nông sản địa phương
Trong làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ tại các huyện, thị của tỉnh Điện Biên, nông dân xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cũng có có sự thay đổi mạnh mẽ trong giao dịch mua bán, giới thiệu sản phẩm dứa mật Pu lau – loại nông sản đang giúp bà con thoát nghèo.
Từ một hộ nông dân trồng nhỏ lẻ, được học các lớp tập huấn phát triển kinh tế của địa phương, anh Thào A Giàng đã mạnh dạn mở rộng diện tích đất trồng, kêu gọi bà con cùng tham gia thành lập Hợp tác xã dứa Mường Nhà, tạo chuỗi liên kết để trồng và nâng tầm sản phẩm dứa mật Pu Lau thành nông sản chủ lực.
Anh Thào A Giàng, Chủ tịch Hợp tác xã dứa Mường Nhà chia sẻ: “Trước đây, bà con thu hoạch dứa phải vất vả tìm đầu ra, tìm thương lái đến mua hoặc qua sự hỗ trợ của địa phương…. Phương thức truyền thống này khiến việc bán dứa bị chậm, có khi không thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng chuyển đổi số, việc mua bán đã dễ dàng hơn”.
Nhận thấy tiềm năng bán hàng từ nền tảng số, anh đã lập trang fanpage, Zalo để giới thiệu sản phẩm, đồng thời đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử về nông sản. Bà con nhận đơn hàng bán lẻ, bán buôn không chỉ của người dân trong Điện Biên mà còn từ thương lái tại nhiều tỉnh thành khác. Nhiều đồi dứa chưa đến ngày thu hoạch đã có người đến đặt cọc để xuất khẩu.
Anh Giàng cho biết thêm, vụ dứa năm 2024, anh còn liên hệ đặt lịch với một số hot ticktoker, mời họ lên livestream, giới thiệu sản phẩm cho bà con Mường Nhà. “Phương thức bán hàng qua livestream ở thời điểm này là giải pháp tốt để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tạo sự kết nối cho bà con với người dân cả nước. Tôi nghĩ, chuyển đổi số không chỉ tác động đến hình thức giao dịch, tiếp thị mà còn tác động lớn đến nhận thức bà con, nâng cao dân trí. Bà con không chỉ là chủ thể thực hiện chuyển đổi số mà còn là đối tượng được hưởng lợi từ quá trình này”, anh Giàng nhấn mạnh.
Cùng với việc chuyển đổi số trong giới thiệu, bán sản phẩm, anh Giàng tìm hiểu các ứng dụng công nghệ theo dõi tình hình sinh trưởng của cây dứa. Với ứng dụng này, anh hoàn toàn có thể theo dõi được sự phát triển của đồi dứa, đưa ra các dự đoán về thời tiết, tính toán lượng phân bón, nước... để chăm sóc cây tốt hơn. "Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ xây dựng được vùng dứa ứng dụng công nghệ hiện đại về tưới tiêu tự động... Như vậy, sẽ giảm bớt nhân công lao động cũng như tạo hiệu quả cao trong trồng trọt", anh chia sẻ.
Hiện tại nguồn dứa cung không đủ cầu nên anh Giàng mong địa phương hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để có thể mở rộng vùng trồng. "Với tiềm năng, thế mạnh từ dứa, đời sống người dân Mường Nhà dần nâng cao, diện mạo nông thôn mới cũng khởi sắc. Nhờ đó, những con đường, công trình văn hóa công cộng cũng được đầu tư hiện đại, khang trang hơn", anh nói.
Quỳnh Nga