“Mưa dầm thấm sâu”

Trước những khó khăn của địa phương, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Trí Nang đã đưa công tác tuyên truyền lên hàng đầu, đồng thời, phát huy sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sau khi Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã được thành lập, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng và tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, như cấp phát các tờ rơi, tranh cổ động, đưa nội dung tuyên truyền nông thôn mới lên hệ thống truyền thanh của xã, nêu gương người tốt, việc tốt...

Cứ như vậy, “mưa dầm thấm sâu”, các nội dung xây dựng nông thôn mới đã đến được với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã. Mỗi người dân đã ý thức được, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bản thân mình phải có trách nhiệm làm cho gia đình, làng, bản và địa phương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Và, khi nhận thức được nâng cao, người dân trong xã đã tích cực vào cuộc bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Nhiều phong trào thi đua như “Nhà sạch, ngõ đẹp”, “Làm kinh tế giỏi”... được phát động sôi nổi ở các thôn, bản, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Từ công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình, các nhóm hộ gia đình trên địa bàn xã đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phát triển dịch vụ. Nhờ vậy, kinh tế hộ gia đình và kinh tế tập thể ở Trí Nang không ngừng phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Hiện, toàn xã có hàng chục mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao như, mô hình chăn nuôi lợn cỏ, gà thịt, vịt bản địa, trồng rau an toàn, trồng nghệ; gia trại chăn nuôi trâu, bò...; nhiều gia đình có thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm từ phát triển các mô hình, góp phần đưa tỷ lệ lao động có việc làm trong toàn xã lên 94,6%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 34,61 triệu đồng/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 5,9%... Kinh tế phát triển tạo đà cho xã Trí Nang đầu tư hạ tầng cơ sở nông thôn.

Từ năm 2012 đến nay, tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới đạt 65,6 tỷ đồng, trong đó, kinh phí do nhân dân đóng góp đạt 18,8 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí này, nhiều công trình phúc lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp. Con em trong xã phấn khởi được học trong những phòng học kiên cố, cơ sở vật chất đầy đủ hơn. Nhiều công trình giao thông nông thôn in đậm dấu ấn của cộng đồng dân cư. Toàn xã đã hoàn thành cứng hóa 11 km đường giao thông trục thôn, liên thôn, bản với chiều rộng nền đường tối thiểu 4m; 2/2 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện cũng đã được nhựa hoặc bê tông hóa theo đúng tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương cũng đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn xã có 503/583 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 86,27%; 5/5 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Không ngừng huy động sức dân gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Với sự nỗ lực phấn đấu vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, xã Trí Nang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm ngoái. Đây là xã thứ 2 của huyện Lang Chánh đạt chuẩn nông thôn mới tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, giữ vững càng khó khăn hơn.

Bởi vậy, chính quyền xã Trí Nang xác định, trong thời gian tới, xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, như: Tuyên truyền để cán bộ và nhân dân trong xã nhận thức sâu hơn về ý thức, trách nhiệm khi đạt nông thôn mới, từ đó quyết tâm phấn đấu xây dựng nông thôn mới bền vững, đời sống người dân ấm no, văn minh.

Tiếp tục có các cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, không ngừng huy động sức dân gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Kiều Oanh
Ảnh: Lan Anh