Diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?" hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả VietNamNet.

Dưới đây là bài viết của độc giả Nguyễn Thu Hà gửi về diễn đàn (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).

Cô và trò Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: Hoàng Hà

Chỉ khi người thầy được giải phóng áp lực, được trả lương tương xứng công việc, vị thế thì giáo viên sẽ thấy hạnh phúc, học sinh sẽ hạnh phúc và đương nhiên trường học sẽ đạt được kỳ vọng là trường học hạnh phúc.

Để trường học hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, người viết xin được kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu những việc sau đây:

Thứ nhất, cải thiện lương, thu nhập giáo viên

Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, nghề giáo là nghề cao quý vì nó tạo ra tất cả các nghề khác…

Nhưng lương, thu nhập của nhà giáo hiện nay còn thấp, chưa tương xứng.

Giáo viên được nhận lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (nếu công tác đủ 5 năm – dự kiến bãi bỏ khi thực hiện lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW) nhưng tổng thu nhập của giáo viên mới ra trường hiện nay chỉ khoảng 3,5 triệu, giáo viên công tác 15-20 năm thực nhận chỉ khoản 7,5-8 triệu đồng/mỗi tháng, hầu như không được nhận thêm khoản nào khác.

Sau khi ngành y tế nghỉ việc đồng loạt, Bộ Y tế đã có động thái đề xuất nâng phụ cấp ngành y tế cơ sở lên 100% để giữ chân nhân viên y tế.

Hiện nay, tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… diễn ra tình trạng hàng loạt giáo viên nghỉ việc do thu nhập không đủ sống, nhưng chưa có động thái nào từ các cấp quản lý cho thấy thu nhập của nhà giáo được cải thiện trong thời gian tới, được ưu tiên so với các ngành nghề khác.

Lương, thu nhập chưa tương xứng thì nhà giáo phải chật vật làm đủ mọi nghề tay trái để kiếm sống, khó hạnh phúc. Giáo viên chưa hạnh phúc thì trường học không thể hạnh phúc.

Rất mong các cấp, các ngành quan tâm cải thiện thu nhập cho nhà giáo.

Thứ hai, nghiên cứu giảm áp lực công việc, hồ sơ sổ sách, các cuộc thi

Có thể nói chính một phần quy định quá nhiều loại hồ sơ, hội họp, tập huấn khiến giáo viên cảm thấy vô cùng áp lực, chán nản, khó có thể hạnh phúc với nghề.

Giáo viên phải dự thi nhiều cuộc thi theo đánh giá của tôi và nhiều đồng nghiệp là không mang lại hiệu quả nhưng nhiều áp lực như: thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm, văn nghệ, phong trào đoàn, hội…

Những hồ sơ thì chưa được tinh giảm khiến giáo viên cũng gặp nhiều áp lực.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới với giáo án (phụ lục 4) và các kế hoạch (phụ lục 1, 2, 3) theo Công văn 5512 dài lê thê. Mỗi năm, giáo viên, tổ trưởng chuyên môn thực hiện không dưới 500 trang giấy cho các phụ lục trên.

Giáo viên càng áp lực với hồ sơ, chỉ tiêu các cuộc thi càng khiến giáo viên khó tìm được hạnh phúc.

Nên chăng, giảm triệt để các cuộc thi, các loại hồ sơ để giáo viên chuyên tâm vào giảng dạy, giáo dục học sinh một cách thực chất.

Thứ ba, giảm các chỉ tiêu vô lý 

Những chỉ tiêu học sinh giỏi 60-70%, lên lớp thẳng 100%, trên trung bình 90-100%, không có học sinh bỏ học, năm sau cao hơn năm trước… không còn là hiếm trong giáo dục.

Chính các chỉ tiêu này ràng buộc khiến giáo viên không thể dạy thật, học thật, tạo áp lực lớn lên giáo viên.

Bên cạnh đó, giáo viên nào không đạt chỉ tiêu phải tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu khiến họ phải “giả dối”, gian lận, tiêu cực trong giáo dục.

Mong Bộ GD-ĐT nghiên cứu để tạo động lực cho giáo viên làm việc hết mình, đừng trói chặt giáo viên bằng những chỉ tiêu để khiến giáo viên bị ấm ức, áp lực, khó hạnh phúc.

Thứ tư, dẹp nạn dạy thêm trái phép, tràn lan trong nhà trường 

Hiện nay, nhiều trường học xảy ra nhiều mâu thuẫn nội bộ, nguyên nhân chủ yếu do tranh giành dạy thêm, gây mất đoàn kết.

Đành rằng thu nhập thấp, nhưng lấy việc dạy thêm để tăng thu nhập cho giáo viên khiến nhiều người không dạy hết mình trên lớp, “giấu” kiến thức để dạy thêm… Điều này làm cho môi trường giáo dục có phần méo mó, nhiều người vì bức xúc mà bỏ nghề.

Thầy giáo không thể hạnh phúc trong môi trường méo mó vì dạy thêm, giáo viên mất đoàn kết.

Tôi cho rằng nên ban hành quy định về dạy thêm một cách cụ thể, chi tiết hướng đến chấm dứt dạy thêm trái phép, trả lại môi trường trong sạch, khi đó mọi giáo viên đến lớp đều dạy hết mình, yêu thương học sinh.

Thực hiện được các giải pháp trên thì mọi giáo viên đến lớp đều yêu thương học sinh, dạy hết mình và khi đó trường học hạnh phúc là điều tất yếu.

Nguyễn Thu Hà (giáo viên)

Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?".

Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.

Xin chân thành cảm ơn.