Nằm giữa Biển Đông, huyện đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm đảo; 3 đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Hiện nay, huyện đảo Trường Sa là một trong 9 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, có vị trí địa - chiến lược quan trọng trên biển, là huyện đảo trọng yếu, tiền tiêu của Tổ quốc.
Xác định rõ vai trò chiến lược quan trọng của huyện đảo Trường Sa, ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã có những chủ trương, chính sách nhằm củng cố, xây dựng huyện đảo Trường Sa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đó, các cơ sở kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ở huyện đảo Trường Sa từng bước được xây dựng, phát triển và củng cố. Tại thị trấn Trường Sa, cơ sở hạ tầng và giao thông đã đã được đầu tư mới. Hệ thống đường bê tông được xây dựng phủ khắp thị trấn; nhà ở và các công trình dân sinh tại các xã đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn cũng đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp, 100% đường đều đã bê tông hóa...
Nhiều công trình đa chức năng như: Cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió… đã được xây dựng, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quân, dân huyện đảo và ngư dân các địa phương làm ăn, phát triển kinh tế biển, gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, góp phần cùng quân, dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Khắc Toàn, để triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hoà đã và đang nỗ lực cùng với Quân chủng Hải quân tập trung triển khai thực hiện chủ trương xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Năm 2005, âu tàu Đá Tây đi vào hoạt động, đến nay đã từng bước được nâng cấp. Hiện nay, âu tàu có diện tích rộng 13ha, với sức chứa được khoảng 200 tàu cá cùng 3 bến tàu phục vụ các phương tiện cập nhật hàng hoá dịch vụ, thuận lợi cho ngư dân vào tránh trú bão khi đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó là khu nhà phân loại hải sản và xưởng sản xuất đá cây có công suất 832 cây/ngày; có 2 kho lạnh với công suất 100 tấn để bảo quản hải sản. Hệ thống cơ sở hạ tầng này do Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây quản lý, khai thác.
Năm 2023, trung tâm đã cung ứng cho ngư dân khoảng 282.000 lít dầu, hỗ trợ cho ngư dân hơn 29 tấn lương thực, cung cấp hơn 115.000 cây đá và gần 2.500 lít nước ngọt miễn phí. Trong 4 tháng đầu năm 2024, trung tâm cung cấp cho ngư dân hơn 100.600 lít dầu, hơn 26.000 cây đá, hơn 2 tấn lương lực và hàng nghìn lít nước ngọt miễn phí.
Ngoài ra, hiện trung tâm có 10 tàu cứu hộ, mỗi tàu 9 thuyền viên, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tín hiệu của ngư dân cần giúp đỡ. Nhiều năm qua, trung tâm đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn tàu và các thuyền viên; sửa chữa nhiều tàu cá bị hỏng máy, mắc cạn ở rạn san hô.
Trung bình mỗi chuyến ra khơi khai thác của ngư dân kéo dài cả tháng, trước đây, mỗi lần sắp có bão tàu hết nhiên liệu đều phải chạy vào bờ để tránh trú nên rất tốn kém. Tuy nhiên, kể từ khi có các âu tàu ở Trường Sa, quần đảo Trường Sa là bến đỗ của hàng nghìn con tàu, nhờ đó các ngư dân đã yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.