Cùng với sự phát triển của kinh tế biển, ngành thuỷ sản đã góp phần đáng kể vào giá trị kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không chỉ bảo đảm sinh kế cho nhiều người dân, mà còn mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn.
Theo đó, nhờ khai thác tốt lợi thế chiều dài hơn 300km bờ biển và sự đầu tư phát triển đúng hướng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước với sản lượng hải sản khai thác mỗi năm đạt hơn 350 nghìn tấn.
Nhiều năm qua, ngành thuỷ sản của Bà Rịa – Vũng Tàu đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, từ năm 2011 – 2020, ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có đóng góp lớn nhất về giá trị trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; chiếm 66,6% và 7,7% GRDP của tỉnh.
Cùng với sự phát triển trong lĩnh vực khai thác và đánh bắt hải sản, những ngành dịch vụ kèm theo cũng phát triển tương xứng, tạo nên công ăn việc làm cho rất nhiều người dân địa phương.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 4.345 tàu cá đã đăng ký và quản lý trên phần mềm Vnfishbase. Sản lượng khai thác thủy sản trong giai đoạn 2015-2020 đạt từ 300 nghìn tấn lên hơn 350 nghìn tấn năm 2023, đạt tốc độ tăng bình quân 7,57%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng khai thác của tỉnh ước đạt 200 nghìn tấn.
Không chỉ đánh bắt, những năm qua, phát huy tiềm năng lớn, ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh có những bước phát triển tốt. Diện tích nuôi thủy sản hiện khoảng hơn 16 nghìn ha với sản lượng nuôi thương phẩm trung bình 22 nghìn tấn/năm.
Không riêng gì tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có thể nói sự phát triển mạnh mẽ của ngành thuỷ sản tại 28 tỉnh, thành có biển của cả nước trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế biển.
Theo số liệu của Tổng cục Thuỷ sản cho thấy, đến nay, ngành thuỷ sản đã và đang phát triển cả về số lượng và quy mô, phương tiện, công nghệ và hình thức nuôi trồng và khai thác.
Cụ thể, năm 2020, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt hơn 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt hơn 3,84 triệu tấn, tăng 2,5%; sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 4,56 triệu tấn, tăng 1,4%.
Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn). Riêng sản lượng cá biển khai thác năm 2021 đạt hơn 2.900 ngàn tấn, tăng 30,54% so với năm 2015 và 1,16% so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021; trong đó, tổng sản lượng khai thác ước khoảng 3,86 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng ước đạt 5.163,7 nghìn tấn, tăng 6,3%.
Đến năm 2023, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 9.31 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 5.45 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm 2022, sản lượng khai thác ước đạt 3.8 triệu tấn.
9 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của cả nước ước đạt 7,02 triệu tấn, trong đó cả nuôi trồng và khai thác đều tăng nhẹ.
Tại Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ trong tâm như xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.
Đồng thời, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó là phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới. Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thủy sản, với cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành khai thác thuỷ sản trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế biển và vùng ven biển nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá và đóng góp lớn vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình tiến ra biển bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.