Ở Myanmar, xe Rolls-Royce có giá khoảng 1 triệu USD. 60% xe hơi tại quốc gia này mang thương hiệu Toyota.
Myanmar là quốc gia thuộc ASEAN, với dân số khoảng 60 triệu người. Hơn nửa thế kỷ qua, đất nước này chịu sự cai trị của chính quyền độc tài. Do bị cấm vận nhiều năm, mọi hoạt động xuất nhập khẩu tại quốc gia này đều bị hạn chế. Chính vì vậy, trên đường phố chủ yếu xuất hiện các loại xe cũ.
Những chiếc xe hết đát bị loại bỏ tại Myanmar. Ảnh: Demotix. |
Trước năm 2011, tại Myanmar chỉ có những mẫu xe Nhật Bản đời 1980 trở về trước. Theo số liệu từ Tổng cục Đường bộ Giao thông vận tải Myanmar, tính đến tháng 8/2011, Myanmar có 370.000 xe hơi đăng ký, trong đó có 55.417 chiếc có tuổi đời trên 20 năm.
Thị trường xe hơi tại Myanmar cũng khác so với Cuba. Bởi tại quốc gia Trung Mỹ, các loại xe từ 1950 – 1960 của Mỹ khá phổ biến, trong khi người Myanmar lại chuộng xe Nhật bản.
Theo Oxford Business Group, hơn 60% lượng xe đang lưu hành tại Myanmar là Toyota. 32% người được hỏi cho biết sẽ mua xe Toyota trong tương lai. Những từ khóa về xe hơi được tìm kiếm nhiều nhất tại quốc gia này là Toyta Crown, Toyora Fielder, Toyota Wish,
Các hãng xe lớn bắt đầu đặt chân vào Myanmar sau nửa thế kỷ bị cấm vận. Ảnh: AFP. |
Năm 2011, chính quyền Myanmar ban hành luật cho phép những người đang sở hữu xe hơi cũ mua xe mới. Mỗi chiếc xe có tuổi đời từ 30-40 năm sẽ tương ứng với một tấm giấy phép để mua một mẫu xe được sản xuất sau năm 1995.
Các chủ sở hữu sẽ bàn giao xe cũ cho chính phủ để đổi lấy tấm giấy phép mua xe. Họ có thể mua xe mới hoặc bán giấy phép này để đổi lấy một khoản tiền. Nhờ việc dỡ bỏ lệnh cấm, thị trường Myanmar tăng tốc đột biến.
Trong khoảng vài năm lại đây, các hãng xe lớn trên thế giới như Ford, Toyota, Mazda, BMW… đều đã mở showroom tại quốc gia này để khai thác tiềm năng từ thị trường mới nổi.
Tính đến cuối năm 2014, cả nước có 643.719 chiếc xe, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước đó. Theo hãng nghiên cứu Frost & Sullivan, thị trường ôtô tại Myanmar sẽ tăng trưởng khoảng 7,8% trong giai đoạn từ nay đến 2019, một phần do thu nhập người dân ngày càng tăng và đồng nội tệ mạnh lên so với đôla Mỹ trong những năm gần đây. Giờ đây, tại Thủ đô Yangon, những chiếc xe đời mới chạy đầy đường không còn là chuyện lạ.
Tuy nhiên, mức giá để mua xe tại quốc gia này không hề rẻ. Những cư dân thuộc “tầng lớp trung lưu mới” mới đủ khả năng chi trả.
Những siêu xe hàng đầu thế giới cũng có mặt tại quốc gia Đông Nam Á này. Ảnh: EMG. |
Luật thuế ôtô ở Myanmar cũng thường xuyên thay đổi. Thông thường, xe ôtô nhập khẩu vào Myanmar phải chịu thuế hải quan và thuế nhập khẩu. Tùy vào mục đích sử dụng, mức thuế sẽ khác nhau.
Chẳng hạn những chiếc xe mua làm taxi có thuế hải quan 3% và thuế nhập khẩu 25%. Những loại xe này phục vụ công chúng và giúp phát triển đất nước nên được đánh thuế thấp. Tuy nhiên, những chiếc xe hơi cá nhân dưới 2.0 sẽ phải chịu thuế hải quan 30% và thuế nhập khẩu 25%. Với các dòng xe trên 2.0, thuế hải quan áp dụng mức 40% và thuế nhập khẩu 25%.
Chủ xe cũng được yêu cầu nộp lệ phí đăng ký bổ sung tại Cục Quản lý Giao thông Vận tải Đường bộ nếu muốn ra biển số.
Thuế đăng ký xe tại Myanmar là rào cản đối với người nghèo muốn sở hữu ôtô. Ảnh: Investasian. |
Mức thuế được tính dựa trên dung tích động cơ. Những mẫu xe có dung tích từ 1.3 lít đến 2.0 lít phải nộp 80% so với giá CIF. Với những dòng xe dung tích trên 2.0 lít đến 5.0 lít, mức phí phải nộp bằng 100% so với giá CIF. Và cuối cùng là những dòng siêu xe dung tích trên 5.0 lít sẽ phải nộp 120% giá CIF.
Chẳng hạn những chiếc Rolls-Royce có giá gốc 500.000 USD sẽ được định giá khoảng 998.000 USD sau thuế, cao gần gấp đôi so với giá gốc. Hiện nay, tại Myanmar có khoảng 30 chiếc Rolls-Royce, 20 Bentley, vài chiếc Lamborghini.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của thị trường ôtô cũng là lúc vấn nạn tắc đường hoành hành. Tương tự quốc gia láng giềng Thái Lan, nạn kẹt xe tại thủ đô Yangon đã trở thành một “đặc sản”.
Nhìn chung, Myanmar là thị trường mới bùng nổ, giá xe tại quốc gia này vẫn thấp hơn so với Việt Nam.
Theo Zing