Tình trạng hạn hán, nhiễm mặn tại nhiều địa phương ở tỉnh Sóc Trăng hiện đã trở nên khốc liệt hơn.

Trong khi đó, hàng nghìn ha lúa vụ 3 (vụ đông xuân muộn - PV) ở huyện Long Phú đang “khát nước” nghiêm trọng. Nhiều cánh đồng nứt nẻ trong khi kênh rạch khô cạn.

W-lua-2-4.jpg
Kênh nội đồng khô hạn, nứt nẻ. 

12 giờ trưa, dưới nền nhiệt ngoài trời lên đến 40 độ C, anh Phạm Văn Tài (33 tuổi, ngụ thị trấn Long Phú) vẫn có mặt trên cánh đồng, túc trực bơm nước vào ruộng.

Anh Tài cho biết, ngay khi kết thúc vụ đông xuân, anh tiếp tục cày ải, xuống giống vụ tiếp theo trên diện tích 1 ha. Hiện lúa đang trong giai đoạn trổ đòng, cần phải giữ đủ nước trong ruộng.

W-lua-1-5.jpg
Anh Tài đội nắng, bơm nước vào ruộng cứu lúa.

“Hơn một tháng nay, nước nhiễm mặn và phèn, không thể lấy vào ruộng. Cũng chính vì vậy mà 3.000m2 lúa của tôi đã mất trắng, diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng, giảm năng suất khoảng 50%. Giờ đây, tôi phải chắt chiu từng giọt nước ngọt cứu lúa" - anh Tài cho hay.

Kế bên, ruộng lúa hơn 1,5 ha của ông Lý Quyền (48 tuổi, ngụ thị trấn Long Phú) cũng chẳng khá hơn là bao với hàng loạt cây chết đứng hay lép hạt.

Ông Quyền kể có thời điểm đất nứt nẻ, không nỡ nhìn công sức đổ sông đổ biển nên đánh liều bơm nước mặn cứu lúa. Nào ngờ, diện tích lúa bị ảnh hưởng ngày càng tăng lên. 

Ngay khi biết tin có nước ngọt, ông Quyền vội vã mang máy bơm, kéo vòi đưa nước từ rạch vào kênh nội đồng, rồi bơm thêm lần nữa mới vào tới ruộng.

“Gần 30 năm gắn bó với nghề nông, đây là năm đầu tiên tôi sản xuất lúa vụ 3 với mong muốn bán được giá cao. Nhưng giờ đây, chưa biết có lời hay không mà chi phí đã hơn 50 triệu đồng. Chỉ tính riêng mỗi đợt bơm nước cũng mất gần 500 nghìn đồng tiền dầu” - ông Quyền ngậm ngùi chia sẻ.

Tại một cánh đồng khác, ông Lê Văn Hết (48 tuổi) liên tục ghé thăm ruộng, nhổ lúa kiểm tra tình hình "sức khoẻ" của cây.

“Lá lúa vàng rũ, rễ trắng chuyển qua màu đen, lụi dần, vậy là ruộng lúa này cũng xem như bỏ" - ông buồn rầu nói.

Ông Hết nói nếu vụ mùa thuận lợi, toàn bộ diện tích trồng lúa cho năng suất 70-80 tấn thì sau khi trừ đi chi phí (giống, phân bón, thuốc sâu, nhân công…), ông sẽ lời gần 500 triệu đồng.

Thế nhưng đến nay, ông đã có 3/10 ha lúa mất trắng. "Bây giờ chỉ mong trời nắng để sớm thu hoạch diện tích còn lại, vớt vát được đồng nào hay đồng đó, chứ mưa xuống, phèn lên, thì vụ này trắng tay”.

W-lua-4-4.jpg
Nhiễm mặn thời gian dài, cây lúa thối rễ, héo lá. 

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, cho biết từ sau vụ mùa 2015-2016, địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn nên không có chủ trương xuống giống vụ 3. 

Theo ông Vũ, mặc dù đã dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm hơn, khốc liệt hơn so với năm ngoái, nhưng nông dân thấy trúng mùa, trúng giá nên nhiều người bất chấp khuyến cáo đã “xé rào” xuống giống vụ 3 năm nay.

W-lua-3-4.jpg
Nông dân phun kích rễ, sâu bệnh cho cây lúa. 

“Vụ 3 này, toàn huyện xuống giống hơn 6.000 ha, dự kiến còn khoảng một tháng nữa mới thu hoạch xong. Tuy nhiên tính đến đầu tháng 4 này đã có hơn 1.000 ha bị ảnh hưởng, trong đó mất trắng hơn 37 ha” - ông Vũ thông tin.