Chả thiếu chuyện xếp ghế cho con, cho vợ của ai đó có quyền cứ như “làm xiếc”, cứ như “chuyện thường ngày ở huyện”: Chuyện đời nó phải thế có chi mà lạ (?)
Quốc hội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 đang nóng bỏng với bao việc trọng sự bàn việc nước, lo việc dân.
Cử tri cả nước chờ đợi những quyết sách mới từ vĩ mô để đất nước vượt ra khỏi “vòng xoáy” của nền kinh tế quốc gia chưa bền vững.
Nhưng dư luận cuộc sống lại xoay tròn câu chuyện chọn người tài, hay người nhà, nghe rất lạ tai. Đó là chuyện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) tỉnh Hải Dương chỉ có 46 người mà tới 44 là lãnh đạo!
Dư luận cho rằng vụ việc ở Hải Dương như thế không bình thường, là việc lớn và càng thấy người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nói đến bệnh xa dân, không chịu gần dân và chưa đặt sự “trọng dân” là mối lo lớn của Đảng. Nhìn rộng xa, đâu chỉ có Hải Dương mới ồn ã câu chuyện người nhà, chuyện thừa ghế chức nọ, quyền kia. Một thời các bộ, ngành cũng rộn rã chuyện dư thừa cấp thứ trưởng. Mới đây là chuyện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa có tới 8 ghế phó giám đốc. Rồi bao vụ “ký tá” vội vàng cả loạt trước khi hạ cánh nghỉ hưu cho người nhà, cho “thân tín, huynh đệ” đây đó cũng đủ eo xèo. Chả thiếu chuyện xếp ghế cho con, cho vợ của ai đó có quyền cứ như “làm xiếc”, cứ như “chuyện thường ngày ở huyện”: Chuyện đời nó phải thế có chi mà lạ (?)
Đảng, QH, Chính phủ rất quyết liệt “đột phá” mạnh mẽ vào thủ tục hành chính, vào bộ máy công chức quá cồng kềnh đang làm nặng nề các cơ quan công quyền. QH quyết tâm sẽ “sờ đến” các dự án đầu tư “ngẫu hứng” ném ra nghìn tỷ, nhiều nghìn tỷ “đắp chiếu trùm mền” lãng phí đang làm nặng gánh đất nước cũng là xem chân dung ai ký tá, ai đứng đầu những DN “cậu giời” này giờ ở đâu?
Không hiểu các cơ quan thanh tra, kiểm tra có nhìn thấy không? Nơi các tỉnh, huyện nào làm ăn yếu kém đều có chuyện thiếu minh bạch trong chức nọ, quyền kia. Hãy nhìn lại các tập đoàn, tổng công ty, các DN nhà nước có vấn đề về kinh tế thất thoát, đều “ẩn” trong đó những trớ trêu của câu chuyện “ghế đứng, ghế ngồi” xếp cho thân hữu, người nhà, nghe mới giật mình thay!
Cái gì cũng đúng quy trình! Vụ việc nào “phơi ra” cũng bảo không sai, cũng nói đề bạt cất nhắc đều trong quy hoạch, đều đúng quy trình quy chế.
Vẫn hay: Động đến con người là luôn nhạy cảm. Thế nên chuyện Bí thư Mỹ Đức (Hà Nội) có 10 người nhà làm cán bộ cũng là do ngẫu nhiên. Thế nên chuyện Bí thư Hà Giang với cả dây dợ anh em ghế nọ, chức kia là tự thân vận động, cũng hết sức tự nhiên… Nhưng dù có nói đúng quy trình, nói “ngẫu nhiên” gì đi chăng nữa, nhưng đó là cái “đúng” không lọt tai dân, là “cái không sai”, cái ngẫu nhiên nhưng “nghịch mắt” dân!
Càng thấy quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế đã khó. Nhưng tái cấu trúc lại đội ngũ người đứng đầu các cơ quan, DN, chọn tuyển cho đúng người tài năng tâm huyết, xem ra còn khó khăn hơn.
Đã nhìn thấy tình trạng đạo đức một bộ phận công chức ở các lĩnh vực xuống cấp. Xuống cấp trong hành xử trong công việc, xuống cấp trong tiếp xúc với dân ở cả trong cơ quan và bên ngoài công sở, nơi cuộc sống lúc nào cũng “chiếu thẳng” những chiếc gương soi. Những cán bộ kiểu như thế rõ ràng làm mất niềm tin với một nền công vụ, mất đi hình ảnh đẹp về đội ngũ thực thi công quyền của đất nước trong mắt người dân.
Chọn người tài, hay người nhà? Câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ đang cần cách nhìn nhân văn. Đất nước cần tài năng thì dù là con cháu cô bác còn nghèo, hay cháu con lãnh đạo có quyền uy đều rất quý. Nhưng ai đó lợi dụng uy quyền, lộng quyền, lạm quyền, mà “ký tá” đón rước đưa vào cơ quan chính quyền, các DN lớn nhà nước toàn người nhà thân hữu “non tài, kém đức” chỉ nhăm nhăm vụ lợi đục khoét, dứt khoát phải kiên quyết loại thẳng tay!
Hà Phương/ Theo Đại biểu Nhân dân
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt