Ngày 31/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Với phương án 1 của Chính phủ trình tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội; chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công toàn bộ 8 dự án thành phần, Ủy ban Kinh tế cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành với Phương án này tại Kết luận Phiên họp thứ 45.

{keywords}
Nhiều dự án cao tốc BOT được đề nghị chuyển sang đầu tư công. Ảnh minh họa

Về phương án 2, tiếp tục đầu tư 03 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội; chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 05 dự án, gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63km, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại có nhiều nhà đầu tư qua sơ tuyển (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng phương án này cũng không phù hợp với các yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phương án 3, Chính phủ muốn tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017/QH14; chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm: 02 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Liên quan vấn đề này, có 3 luồng ý kiến. Tuy nhiên đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, theo đó chỉ chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần, đồng thời đề nghị xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi theo nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Phiên họp thứ 45.

Cụ thể, một là dự án không có nhà đầu qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết); hai là có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; ba là không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển khi phải hủy kết quả sơ tuyển để chuyển sang đầu tư 100% vốn đầu tư công.

Tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 5/10/2017 về “chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông”, Bộ Chính trị đã yêu cầu: Tập trung ưu tiên đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.

Trường hợp được quyết định chuyển đổi một số dự án sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ phải bố trí bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho dự án, như vậy, theo Ủy ban Kinh tế, là chưa phù hợp với Kết luận số 19, do đó, cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị.

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý khi chuyển các dự án thành phần sang đầu tư công có thể dẫn đến sự không công bằng, do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần. Trường hợp dự án thành phần bị chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia dự án thành phần khác. Vì thế, cần có giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư nếu chuyển đổi dự án như ưu tiên cộng điểm cho các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển trong quá trình đấu thầu dự án được chuyển đổi.

“Hiện tiến độ thực hiện dự án chậm so với Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện dự án”, Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

L.Bằng

Kiến nghị chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Kiến nghị chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Thừa ủy quyền của Chính phủ, ngày 14/5 Bộ GTVT trình QH việc điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.