Đây là một trong những nguyên nhân chính, dẫn đến vi phạm xây dựng trên địa bàn TPHCM vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp.

Sáng 30-7, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến tìm giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM… Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng.

Vi phạm xây dựng - không loại trừ cán bộ tiêu cực ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cương quyết với công trình vi phạm

Mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố là vấn đề nhức nhối. Về vấn đề này, tại hội nghị Thành ủy, HĐND TP và các hội nghị UBND TP mới đây đã bàn luận kỹ. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 23/CT-TU để chấn chỉnh.

 

Ngay sau hội nghị này, UBND TP sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định.

Báo cáo về thực trạng chung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên thông tin, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp trên toàn thành phố gần 126.400 giấy. Trong đó, GPXD nhà ở riêng lẻ chiếm 89%, chứng tỏ nhu cầu nhà ở của người dân rất cao.


Cũng trong thời gian này, trên địa bàn thành phố có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp GPXD và hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.

Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, nêu thêm sự biến tướng trong vi phạm như GPXD xin làm nhà ở riêng lẻ nhưng khi xây dựng thì biến thành nhà xưởng hoặc trổ cửa thành “nhà 3 chung”.

“Công tác cưỡng chế công trình xây dựng sai phép gặp khó khăn”, bà Tuyền phân trần và giải thích, UBND các xã cho rằng việc tháo dỡ hạng mục sai phép không khó. Thế nhưng, việc buộc các chủ đầu tư xây dựng đúng như GPXD hay bít các cửa tự trổ thêm thì rất khó.

Tuy nhiên, UBND huyện Hóc Môn xác định việc xử lý, cưỡng chế công trình không phép phải thực hiện nhanh, quyết liệt để răn đe đối với các trường hợp khác. Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các UBND xã - thị trấn, trong trường hợp chủ đầu tư không nghiêm túc khắc phục thì chính quyền xây luôn các hạng mục theo phần GPXD và buộc chủ đầu tư phải thanh toán phần chi phí xây dựng này.

Cùng với đó, các địa phương kiến nghị nhiều giải pháp mạnh mẽ xử lý vi các công trình vi phạm xây dựng. Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy đề xuất cần có giải pháp xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng. Việc này không chỉ là đấu tranh, phòng ngừa ngay từ đầu mà còn để củng cố hồ sơ ngay từ đầu, làm cơ sở xử lý hình sự đối với các đầu nậu cố tình vi phạm.

Cùng đó, UBND huyện Hóc Môn, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị biện pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng. Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phạm Minh Mẫn còn đề xuất không cấp phép kinh doanh tại các công trình vi phạm xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị các đại biểu thảo luận thêm về giải pháp này.

 

Các đơn vị doanh nghiệp cung cấp điện, nước cho biết không có quy định cắt điện nước ở các công trình vi phạm. Một người dân sửa nhà, xây nhà sai phép thì còn cân nhắc. Tuy nhiên, những trường hợp xây dựng giữa khu đất trống mà câu điện vào thì có quyền xử lý được. Nếu làm mạnh như vậy sẽ kéo giảm tình trạng vi phạm xây dựng”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định.

 Song, bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị cũng nhìn nhận trách nhiệm về phía cơ quan quản lý Nhà nước.“Được chuyển mục đích, xây nhà nơi bị quy hoạch”

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ phân tích về sự hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, trong điều kiện đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Theo đó, mỗi năm huyện Bình Chánh tăng trên 30.000 người dân nhưng hàng loạt dự án nhà ở, khu sinh thái, khu công nghiệp như: 410 ha dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc; 1.000ha thuộc khu đô thị Nam thành phố và hơn 870ha đất ở các dự án khác đã không còn hiệu lực hoặc chưa triển khai.

Dù vậy, ông Trần Phú Lữ cũng nhìn nhận về hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở. Chẳng hạn, qua thanh tra tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Bình Lợi và Hưng Long, huyện xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế công trình vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm, lập hồ sơ xử lý người sử dụng đất… Huyện cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều ra đối với 5 trường hợp tái vi phạm.

Về tình hình chung, lãnh đạo Sở Xây dựng đánh giá, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép.

“Đối với các trường hợp xây dựng không phép, một phần do quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Một số cán bộ, công chức được phân công quản lý trật tự xây dựng chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, chậm phát hiện, đề xuất xử lý không kiên quyết, không triệt để. Hệ quả là nhiều công trình vi phạm xây dựng không và chưa được phát hiện xử lý kịp thời, gây khó khăn trong cưỡng chế  công trình vi phạm.

Đặc biệt, không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.

Cùng với đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc rà soát hiện trạng, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đối với các đồ án quy hoạch đã được duyệt nhưng chậm triển khai thực hiện. Việc này nhằm điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp, thiếu tính khả thi. Đặc biệt, tại các khu vực quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới chưa có kế hoạch thu hồi đất, chưa có nguồn lực cần có giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu phân tích thêm, trên địa bàn huyện có nhiều gia đình với nhiều thế hệ sinh sống trên đất nông nghiệp. Nhu cầu cho con cháu ra riêng là rất lớn. Những trường hợp này dù có diện tích đất lớn nhưng lại là đất nông nghiệp nên không được tách thửa, không được chuyển mục đích và không được cấp phép xây dựng.

“Vi phạm xây dựng từ đó đã phát sinh”, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu bày tỏ và cho biết, tại các khu đất được quy hoạch làm cây xanh chậm thực hiện cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ tham gia ý kiến và đề xuất, UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở riêng lẻ, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với người dân có nhà, đất hợp pháp tại các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư xây dựng mới khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất.

Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯNG, Phó Giám đốc Sở QH-KT: Cần đảm bảo quyền lợi người dân khu quy hoạch

Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch chưa có kế hoạch để xác định thời gian, lộ trình thực hiện và công bố công khai cho dân cư.

Đặc biệt, các khu chức năng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, công trình công cộng thường kéo dài thời gian thực hiện, thiếu khả thi do chưa có nguồn lực thực hiện. Thế nhưng, chính sách về nhà, đất như cấp GPXD, cấp Giấy chứng nhận cũng như các giao dịch, tách thửa… ở nơi quy hoạch chưa công bằng, còn chênh lệch lớn giữa người dân trong và ngoài khu vực quy hoạch. Điều này gây ra bức xúc cho người dân trong khu vực quy hoạch, do ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày cũng như quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ.

Để giải quyết bất cập trên, Sở QH-KT sẽ thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá toàn bộ quy hoạch 1/500 của các dự án trên địa bàn thành phố, làm cơ sở điều chỉnh, hủy bỏ hoặc đề xuất hướng xử lý phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu quy hoạch.

Ngoài ra, Sở QH-KT phối hợp rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của 600 dự án chậm triển khai mà UBND TP đã thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư. Từ đó, Sở QH-KT công bố công khai người dân biết, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch của các dự án này.

Đặc biệt, Sở QH-KT kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách về nhà đất đối trong khu vực quy hoạch, theo hướng tạo sự công bằng, giảm độ vênh giữa người dân sống trong và ngoài các khu vực quy hoạch. Việc này đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Theo sggp

Tiêu đề do VietnamNet đặt lại

Vay tiền tỷ mua chung cư, vợ chồng lao đao vì nợ nần

Vay tiền tỷ mua chung cư, vợ chồng lao đao vì nợ nần

- Vừa bước vào nhà, mẹ chồng tôi đã gằn giọng: “Chả biết cô sĩ diện thế nào nhưng cứ tham lam mua căn nhà to thế này thì chỉ tội nợ cho con trai tôi...”.