Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của mảnh đất địa đầu Hà Giang, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú, nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống đặc sắc của các dân tộc bản địa. Đây được coi là những nguồn tài nguyên quý giá và thế mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.

Đây là nơi định cư lâu đời của người dân thuộc 16 dân tộc, trong đó người Nùng, Mông, Tày, La Chí chiếm đa số.  

Do nằm trên cung đường nối liền các vùng phía Đông và Tây Bắc, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng các nét văn hóa độc đáo được cộng đồng người dân ở đây bảo tồn và lưu giữ nên du lịch Xín Mần có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng.

Trên địa bàn huyện có 10 điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh được công nhận, trong đó: 05 Di tích Quốc gia; 03 Di tích cấp tỉnh; có 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đồng thời có những thuận lợi cho việc phát triển du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các lễ hội văn hoá dân gian truyền thống như: Lễ hội tết Khu Cù Tê, lễ hội Đình Mường, lễ hội Gầu Tào, lễ hội Đền Thần Hoàng, lễ Cấp sắc dân tộc Dao, lễ cúng rừng dân tộc Nùng, dân tộc Phù Lá; cùng với các sản phẩm làng nghề truyền thống như: Sản phẩm thêu dệt, sản phẩm trạm bạc Dân tộc Nùng U; Mây tre đan...

suoithau.png
Một góc thảo nguyên Suôi Thầu

Bên cạnh điểm nhấn Thảo nguyên Suôi Thầu, huyện Xín Mần có khá nhiều điểm du lịch độc đáo khác, như Bãi đá cổ Nấm Dẩn, Thác Tiên Đèo Gió, Suối khoáng Quảng Nguyên. Vào thời điểm lúa chín, những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp được phủ vàng, khiến du khách mê mẩn khi đặt chân tới.

Đây là những lợi thế rất lớn để Xín Mần phát triển ngành du lịch. 

Trong chiến lực phát triển du lịch của Hà Giang nói chung, huyện Xín Mần đặt mục tiêu đưa du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, huyện xác định làm du lịch phải gắn với nông nghiệp, sinh thái, giữ gìn bản sắc dân tộc, danh lam thắng cảnh và những cảnh quan vốn có.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Xín Mần Phạm Duy Hiền, quan điểm của tỉnh và huyện là phải giữ được cảnh quan của Thảo nguyên Suôi Thầu, vì hiện nay không còn nhiều khu vực như ở đây, cảnh quan hùng vĩ, những thảm cỏ trải dài, những nương lúa, nương ngô xanh mát.

Huyện có định hướng không tác động đến vùng lõi, chỉ phát triển dịch vụ ở phần ngoài; đồng thời tính tới phương án sau này, phát triển du lịch sẽ theo hướng du lịch trải nghiệm, không có phương tiện cơ giới ra vào.

Thay vào đó là dịch vụ đưa đón khách du lịch bằng xe thô sơ của bà con bản địa. Mục đích là vừa giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, vừa tạo việc làm cho người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến với Xín Mần đạt trên 100.000 lượt. Kết quả này bước đầu đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế từ du lịch, dịch vụ. 

Kết cấu hạ tầng giao thông mặc dù đã có nhưng chưa thực sự thuận lợi

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Xín Mần nói chung và Thảo nguyên Suôi Thầu nói riêng đang gặp phải một số vấn đề ngáng trở. Kết cấu hạ tầng giao thông mặc dù đã có nhưng chưa thực sự thuận lợi.

Theo ông Phạm Duy Hiền, có lẽ Xín Mần hiện là huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang về hạ tầng giao thông và tính kết nối, bởi tuyến đường đã có nhưng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các phương tiện vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa. Hành trình di chuyển còn nhiều khó khăn, dẫn tới tình trạng khách du lịch có thể phải bỏ ra số chi phí lớn hơn để đến với huyện.

Tin vui là mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang vừa thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu Du lịch Suôi Thầu. Đây sẽ là những cơ sở để chính quyền địa phương tăng cường quản lý, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tích cực của người dân, lĩnh vực du lịch của huyện Xín Mần trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Yên Minh