11 tháng đầu năm, các giao dịch qua ví điện tử, ứng dụng và thẻ ngân hàng tăng 85% về số lượng và 31% về giá trị. Các chuyên gia dự đoán, năm 2023 sẽ tiếp tục bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Rất nhiều người trẻ thường có ví điện tử và một khoản tiền nhất định trong ví. Theo một thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền của người dân trong 45 ví điện tử đang lưu hành lên đến 3.300 tỷ đồng. Chứng tỏ nhu cầu sử dụng ví điện tử nói riêng và thanh toán không tiền mặt nói chung của người dân đang ngày càng cao hơn.

Theo Napas, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống của công ty này đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022. Thống kê cũng phần nào cho thấy người dân dần chuyển dịch thói quen thanh toán sang các hình thức không cần tiền mặt.

Người dân dần chuyển dịch thói quen thanh toán sang các hình thức không cần tiền mặt. Ảnh: Linh Đan

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ phổ biến ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh mà tại chợ truyền thống các tiểu thương và người tiêu dùng cũng bắt đầu thích ứng với xu thế mới. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp người kinh doanh tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý các giao dịch tiền mặt, hạn chế rủi ro mà còn tạo điều kiện để người tiêu dùng thanh toán thuận tiện, an toàn, chính xác.

Nhằm đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại, dịch vụ, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống và cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại tại nhiều địa phương đã chủ động liên kết với các tổ chức tín dụng, đơn vị trung gian thanh toán, ví điện tử để đa dạng các hình thức thanh toán cho khách hàng, đồng thời tận dụng được chương trình khuyến mãi, giảm giá trực tiếp vào giá trị giao dịch thanh toán để kích cầu tiêu dùng.

Năm 2022, các dịch vụ thanh toán trong thông qua thẻ, tài khoản ngân hàng, mã phản hồi nhanh (QR Code), ví điện tử, Mobile Money... góp phần đa dạng hóa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư, hướng dẫn, mở tài khoản định danh khách hàng điện tử. Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, bằng hình thức hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số tổ chức khác.

Đối với dịch vụ Mobile Money, cuối tháng 9/2022, có 2,34 triệu tài khoản khách hàng thí điểm, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23%. Hiện nay có đến hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ, đây là lợi thế rất tốt phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) vẫn cho rằng quá trình triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt; tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến. Mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở đô thị. Một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Đặc biệt là việc tội phạm công nghệ cao hoành hành dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở vùng sâu vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một số nội dung. Theo đó, tập trung triển khai nhiều giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa...

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng góp phần phát triển thanh toán điện tử