Bình Định hiện còn nhiều điểm nóng về gây ô nhiễm môi trường cảng cá Quy Nhơn (thuộc thành phố Quy Nhơn) và làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Xuân Bình - Xuân Thạnh (huyện Phù Mỹ)… 

Cảng cá Quy Nhơn (thuộc Ban quản lý Cảng cá Bình Định) là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Bình Định từ chục năm nay. Từ năm 2015, UBND tỉnh Bình định đã xác định đây là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã triển khai.

Từ năm 2018, Cảng cá Quy Nhơn đã được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhưng kết quả phân tích nước thải sau xử lý vẫn không đạt theo quy chuẩn của Việt Nam. Đến năm 2021, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành văn bản số 1153/UBND-KT về việc thực hiện xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Nhưng đến nay, Cảng cá Quy Nhơ vẫn chưa được nâng cấp.  Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã gửi văn bản yêu cầu Ban quản lý Cảng cá Bình Định khẩn trương xử lý ô nhiễm môi trường xong trong năm 2023.

hai san binh dinh.png
Bình Định xử lý các điểm ô nhiễm môi trường tại cảng cá. Ảnh: K.Chi 

Tại làng nghề hải sản khô xuất khẩu Xuân Bình – Xuân Thạnh tại huyện Phù Mỹ cũng tương tự. Đây là một trong những khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thực hiện trong 2 năm 2018 - 2020. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Phù Mỹ vẫn chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải để được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm.

Theo ông Lê Văn Lịch – Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, hiện nay làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu hoạt động nhỏ lẻ, lượng nước thải phát sinh quá ít, theo mùa vụ. Nếu đầu tư sẽ tốn kém ngân sách, UBND huyện đã đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định phê duyệt công suất của trạm xử lý nước thải của làng nghề ở mức 20m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trên địa bàn có một doanh nghiệp chưa đi vào sản xuất nhưng lượng nước thải dự kiến khoảng 50 m3/ngày đêm. Vì vậy, dự án xử lý vấn đề nước thải tại đây vẫn chưa thực hiện được. 

Hiện nay, UBND huyện yêu cầu các cơ sở sản xuất theo dõi lượng nước thải phát sinh và xử lý các biện pháp trước mắt như nạo vét kênh mương, cống nước thải, gom nước thải đưa vào xử lý chung tại làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm ra môi trường xung quanh. 

Ngày 4/12, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 76/2023 về Quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, nguyên tắc của việc quản lý chất thải đó là quản lý chất thải nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Các hoạt động quản lý chất thải trên phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. 

Cộng đồng cần thực hiện giảm thiểu các loại chất thải phát sinh, tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Trong sản xuất khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng quy trình sản xuất sạch, kiểm soát môi trường.

Đối với công tác xử lý chất thải, Bình Định khuyến khích xã hội hóa. Các khu xử lý chất thải trên địa bàn xây dựng theo hướng cộng nghệ hiện đại, thân thiện với với trường, sử dụng kỹ thuật tiên tiến, hạn chế tối đa chôn lấp chất thải rắn.

Ngoài ra, Bình Định khuyến khích các địa phương, các đơn vị hoạt động trong vấn đề xử lý chất thải áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và ử lý chất thải; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải. 

Đối với các cơ sở xử lý chất thải nếu phát hiện sự cố môi trường phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kịp thời thông báo cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan nơi xảy ra ô nhiễm hoặc sự cố môi trường để phối hợp xử lý.

K.Chi