Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 13h, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,0-13,0 độ Vĩ Bắc; 119,5-120,5 độ Kinh Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo hướng đi của vùng áp thấp. Ảnh: NCHMF |
Đến 13h ngày mai, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Đến trưa ngày 6/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phân tích trên kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam có xu hướng mạnh dần lên nên từ ngày mai (5/7), ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2-3m.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Biển Đông khả năng đón áp thấp nhiệt đới vào tuần tới
Dự báo từ khoảng ngày 6-8/7, trên khu vực giữa Biển Đông có khả năng hình thành một áp thấp nhiệt đới.
Hương Quỳnh