Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ảnh hưởng của Covid 19, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu nên những sản phẩm dệt may cũng buộc phải tìm kiếm nguyên liệu mới để thay đổi theo hướng tăng tiện ích, giảm giá bán.

Đây chính là nguyên nhân mà những sản phẩm thời trang của nhiều doanh nghiệp trong tình trạng bị thiếu nguyên liệu để phục vụ thị trường xuất khẩu.

{keywords}
Xuất khẩu dệt may gặp thách thức giá nguyên liệu tăng (ảnh: Băng Dương)

Xu thế giảm giá ngặt nghèo đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp dệt may khi giá nguyên liệu tăng nhưng giá thành phẩm lại phải giảm 15-20%.

Tìm kiếm đối tác cung ứng nguyên liệu mới từ những nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan là cách ứng phó của nhiểu doanh nghiệp trước khó khăn nguồn cung nguyên liệu. Bởi muốn hưởng lợi thế từ các FTA thì phải đáp ứng quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc nội khối.

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguồn cung nguyên liệu là một điểm nghẽn của phát triển dệt may. Hiện nay, nguồn nguyên liệu của chúng ta thì phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.

"Đối với vải, Việt Nam phải nhập đến 80%, chúng ta chỉ tự cung cấp được khoảng 20%. Nếu như nói về sơ sợi thì chúng ta tự sử dụng những cái chúng ta sản xuất ra khoảng 30%, còn vải thì chúng ta nhập khẩu khoảng trên 800.000 tấn sợi 1 năm. Duy nhất nói về bông thì chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nhập khẩu. Chúng ta hiện nay đang nhập khoảng 1,3 triệu tấn bông 1 năm nhưng mà trong nước cung cấp thì tự cung cấp khoảng trên 10 tấn tức là mới đạt khoảng 1%", ông Cẩm cho biết thêm. 

Hiện đơn hàng dệt may đã có tới tháng 6, dự kiến giá nguyên liệu trong thời gian tới sẽ tăng 5-10%. Việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu như trên sẽ là thách thức lớn cho dệt may Việt Nam thời gian tới.

Do đó, việc đa dạng chuỗi cung ứng nguyên liệu, tìm kiếm các đối tác cạnh tranh về giá cả, chất lượng sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may giữ được đơn hàng và đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021.

Thanh Thúy