Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính tổng 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 15,66 tỷ USD, giảm 13,3%; xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2022.

4 tháng đầu năm nay, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu cao su đạt 684,8 triệu USD, giảm 20,1%; hồ tiêu đạt 325 triệu USD, giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 453 triệu USD, giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ 3,91 tỷ USD, giảm 30,4%; mây, tre, cói thảm 245 triệu USD, giảm 29,2%; cá tra đạt 558 triệu USD, giảm 39,9%; tôm đạt 843 triệu USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,5%; rau quả 1,39 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; thịt và phụ phẩm 45 triệu USD, tăng 63,7%...

Tính đến hết tháng 4/2023, có 5 nhóm hàng của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD gồm: gạo, cà phê, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. 

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ tháng 3 và 4 năm nay, xuất khẩu gạo giúp nước ta thu về gần 1,1 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, tại hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 và định hướng điều hành kinh doanh gạo trong thời gian tới của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - dự báo, những tháng cuối năm, giá lương thực tiếp tục biến động do các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi đang gia tăng. Tại các nước châu Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi.

Nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Trong khi đó, Việt Nam đang có lợi thế về nguồn cung sớm từ vụ lúa Đông xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo giá gạo Việt trong ngắn hạn vẫn ở mức tốt.

“Thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi, vấn đề là sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Nam nhấn mạnh.