Góp ý vào báo cáo hoạt động tư pháp, phòng chống tội phạm tại Quốc hội vào sáng 21/11 vừa qua, đại biểu Lý Thị Lan (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) nêu thực trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông ở mức cao. 

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh từ 50 phân khối trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.

Trên thực tế, học sinh cấp 3, người trên 16 tuổi sử dụng xe dưới 50 phân khối tham gia giao thông rất nhiều. Theo tống kê của Cục Cảnh sát giao thông, 9 tháng đầu năm nay toàn quốc xảy ra 8.333 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong số đó có 563 vụ liên quan đến học sinh làm hơn 300 em tử vong, 528 em bị thương.

hoc sinh di xe may.jpeg
 Học sinh trung học ở Hà Nội điều khiển xe chở 3 người, không đội mũ bảo hiểm lạng lách trên đường (Ảnh: Đình Hiếu) 

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia lo ngại, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng và đua xe trái phép tại một số địa phương diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương tiện độ chế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

“Trong 9 tháng đầu năm, cả nước phát hiện 110 vụ với 1.855 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.

Cơ quan chức năng đã tạm giữ 1.559 phương tiện, đã xử lý hình sự 21 vụ với 147 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022, tăng 18 vụ (19,57%)”, ông Hùng thông tin.

Cho rằng người sử dụng xe dưới 50 phân khối chủ yếu là học sinh, chưa được đào tạo, sát hạch thậm chí nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật trật tự an toàn giao thông, đại biểu Lý Thị Lan kiến nghị Chính phủ, bộ ngành xem xét ban hành quy định về đào tạo, sát hạch, sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50 phân khối.

Trao đổi với PV VietNamNet về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 23 triệu học sinh, trong đó học sinh phổ thông chiếm 30 - 40%. Do vậy đề xuất áp dụng quy định sát hạch, cấp bằng lái xe dưới 50 phân khối cần đánh giá được sự cần thiết và tác động đến xã hội.

“Nếu quy định áp dụng nhưng chưa đánh giá được tác động, sẽ dẫn đến cú sốc cho các nhà trường, phụ huynh và quá tải cho trung tâm đào tạo lái xe thì lại là hệ lụy xấu, bất an cho xã hội”, ông Quyền nói.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia giao thông thông tin, các nước phát triển trên thế giới không yêu cầu người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối phải sát hạch, có bằng lái.

Tại Việt Nam, đối tượng sử dụng loại xe này chủ yếu là học sinh phổ thông. Các trường cũng có những tiết học lồng ghép về trật tự an toàn giao thông, gồm cả nội dung điều khiển xe máy dưới 50 phân khối. Nếu bắt buộc học sinh phải học, thi để cấp bằng lái xe sẽ gây “quá tải” đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch. 

Từng chứng kiến nhiều tốp học sinh đánh võng trên đường, thậm chí kẹp ba không đội mũ bảo hiểm, anh Nguyễn Văn Công (ở Tây Hồ, Hà Nội) ủng hộ việc học sinh chỉ được điều khiển xe máy 50 phân khối khi đã có bằng lái. 

 “Tôi cho rằng các em chưa hiểu hết về luật, chưa ý thức được sự nguy hiểm hành vi mình gây ra nên cần học bài bản về Luật giao thông và trải qua các bài thi sát hạch đầy đủ", anh Công nói. 

Dự thảo Luật Đường bộ vừa trình Quốc hội tại kỳ họp này không có nội dung người điều khiển dưới 50cc phải sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tương tự, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được trình tại kỳ họp 6 cũng chưa đề cập đến nội dung này.