Ngày nay, trong đời sống hiện đại, nhiều gia đình trẻ ở các thành phố lớn chọn sống ở chung cư, nhà phố đầy đủ tiện nghi. Không gian thờ của họ được kiến tạo đẹp hơn bởi chất liệu phù hợp, hài hòa với ngôi nhà mình.
1. “Gian thờ không phải là không gian chết” - chị Ngô Thùy Trang, một Phật tử đã chọn lời Phật dạy làm lẽ sống, ứng dụng hằng ngày, từng làm việc tại không gian văn hóa Phật giáo Diệu Tướng Am - chia sẻ.
Từ xưa, nhắc đến thờ cúng nhiều người chỉ nghĩ đó là công việc của những cụ ông cụ bà, một hoạt động nghi lễ truyền thống chỉ dành cho người lớn tuổi. Và nói đến không gian thờ cúng, ai nghe cũng… sợ, vì đó là nơi bất khả xâm phạm, không ai được bén mảng tới. Người chăm sóc gian thờ phải là đàn ông, người lớn tuổi, có hiểu biết.
Tất nhiên, thờ cúng cần trang nghiêm nhưng gian thờ không phải là không gian chết như chị Trang nói. Ngày nay, khi vật chất phát triển hơn thì đời sống tinh thần, tâm linh cũng được mọi người chú ý, kể cả người trẻ.
Có rất nhiều khóa học, lớp thiền, buổi chia sẻ… được tổ chức dành cho người trẻ, doanh nhân, nghệ sĩ, trí thức. Nhờ đó, những giáo lý Phật giáo hay niềm tin tâm linh của cộng đồng được phát triển theo hướng hiểu và tin, đồng thời gắn liền với sự thực hành để những giá trị của minh triết chuyển hóa vào từng người, đem đến lợi lạc thân, tâm ngay hiện tại.
Việc thờ cúng với người trẻ vì thế cũng được cải biến theo hướng hiện đại, tinh tế và tối giản để phù hợp với không gian sống, nhu cầu tâm linh và cả thời gian cho việc chăm sóc nơi hướng thượng của mình.
Từ đây, những tôn tượng Phật, Bồ-tát, Đức Chúa, các bậc thánh hiền được chọn thờ theo hướng tinh xảo hóa - đẹp cả hình thức tạo tác lẫn chất liệu.
“Gian thờ càng đơn giản nhưng vẫn đủ trang nghiêm sẽ trở thành nơi bắt đầu một ngày mới an yên”, chị Ngô Thùy Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, bản thân vẫn thường khởi đầu một ngày của mình bằng cách chỉnh trang y phục, thay nước cúng Phật, thắp một nén trầm thơm, rồi khấn nguyện: “Mắt thương nhìn cuộc đời”. Việc tiếp xúc với các bậc Giải thoát hay người cao đức sẽ nuôi dưỡng chúng ta rất nhiều, bởi năng lượng an lành nơi họ.
Với ông bà tổ tiên của mình cũng vậy, nếu chúng ta có sự tiếp xúc bằng cách hướng về với lòng biết ơn, ta cũng sẽ tăng thêm những ý niệm tốt đẹp để dẫn cuộc sống mình đi theo hướng sáng đẹp.
2. Có một điều rất thú vị mà tôi có cùng trải nghiệm với chị Trang chính là không gian thờ không chỉ nuôi dưỡng mạch nguồn tâm linh của mình mà còn kết nối người thân hiện tiền.
Ở không gian thờ cúng còn có thể có không gian sinh hoạt chung của gia đình thông qua hình thức một phòng uống trà. Với gia đình Việt, kết nối tổ tiên, kết nối các thành viên trong gia đình huyết thống để ôn nhắc các điều thiện lành chính là truyền thống đẹp.
Không phải tự nhiên mà gia đình được xem là trường học về đạo đức. Nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mẹ là giáo sư dạy về yêu thương trong trường đại học cuộc đời.
Rõ ràng, ở không gian kết nối với “chén trà trong hai tay/chánh niệm nâng tràn đầy”, những lời dạy đầy ái ngữ của người lớn hẳn nhiên dễ đi vào lòng người nhỏ. Và việc lắng nghe nhau cũng trở nên tập trung hơn trong không gian lắng đọng, bình yên ấy.
3. Nói về không gian sống ai cũng nghĩ đến sự tiện ích, bình an. Có thể có những người bỏ rất nhiều chi phí cho một phòng ăn hay phòng tắm nhưng đôi khi lại ít quan tâm tới không gian thờ cúng, không gian kết nối…, để rồi khi có những chông chênh trong cuộc sống lại thiếu chỗ để tìm về.
Cuộc sống ngày càng có nhiều bất trắc - theo lẽ vô thường - nên chuẩn bị cho mình một không gian an tĩnh để lắng sâu, nhìn lại chính mình, trưởng dưỡng tình thương cùng sự hiểu biết, từ đó có ứng xử phù hợp trong mọi việc là điều cần thiết.
Gian thờ là nơi kết nối các thế hệ, nếu được vun vén, chăm chút thì đó là một trong những biểu hiện của tình cảm, hiếu kính từ mỗi thành viên.
Năng lượng ấm áp ấy nuôi dưỡng mỗi người vững chãi hơn khi vào đời, vươn ra biển lớn hay lúc đứng giữa lênh đênh sóng gió cuộc đời.