Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình dán tem cho sản phẩm bưởi trước khi đưa lên sàn thương mại điện tử.

Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình dán tem cho sản phẩm bưởi trước khi đưa lên sàn thương mại điện tử.

Thúc đẩy số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu, vì vậy, tỉnh Yên Bái đã chú trọng chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực quản lý sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh ưu tiên triển khai xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ một số sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Cục Sở hữu trí tuệ cấp 50 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh. 

Các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã nâng cao giá trị, thương hiệu góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến và tin dùng như: gạo Mường Lò, măng tre Bát độ, mật ong Mù Cang Chải, ba ba gai Văn Chấn, gạo nếp Tú Lệ, chè Shan tuyết Suối Giàng, bưởi Khả Lĩnh, các sản phẩm từ quế…

Tỉnh cũng xây dựng, vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP, đồng thời ban hành nhiều cơ chế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đưa các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ người dân lập các kênh bán hàng online trên các trang mạng chính thống như Facebook, TikTok...

Việc xây dựng, quản lý và cấp mã số vùng trồng cũng được tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Đến nay, tỉnh đã cấp được 89 mã số vùng trồng, trong đó có 41 mã số phục vụ xuất khẩu và 48 mã số phục vụ tiêu thụ nội địa.

Trong các lĩnh vực chuyên ngành, tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp CĐS được áp dụng như: hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Thác Bà; hệ thống đo mưa tự động tại các địa phương trong tỉnh để phục vụ cảnh báo thiên tai; sử dụng, vận hành trạm thu ảnh viễn thám MODIS để phát hiện cảnh báo và thông tin điểm cháy đến các chủ rừng; triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu về chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phần mềm. 

Những giải pháp CĐS được áp dụng trong sản xuất của  doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ như: hệ thống tưới nước tự động; hệ thống máng ăn, uống nước tự động; theo dõi, quản lý giám sát chăn nuôi bằng hệ thống camera…

Cùng đó, tỉnh triển khai một số nền tảng phát triển kinh tế số để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổng hợp, tuyên truyền về các nền tảng số, hỗ trợ CĐS để doanh nghiệp tăng cường quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

Theo Minh Huyền (Báo Yên Bái)