Bảo vệ môi trường để tạo nên vùng nông thôn đáng sống

Công tác BVMT luôn được xã Mông Sơn, huyện Yên Bình xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước xây dựng môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, qua đó, nâng cao chất lượng sống của người dân. Xã Mông Sơn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo nên những thay đổi tích cực mang tính đột phá, đưa công tác BVMT thành phong trào sôi nổi tích cực được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bức tranh về môi trường đã dần hình thành những gam màu sáng.  Từ đó dần hình thành một vùng nông thôn đáng sống. 

anh bai gia phu.jpg
Công tác BVMT luôn được xã Mông Sơn, huyện Yên Bình xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước xây dựng môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp

Giờ đây đi dọc các tuyến đường của xã có thể cảm nhận được công tác BVMT xanh sạch đẹp, xây dựng nông thôn mới đã và đang đi vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó hình thành và lan tỏa nếp sống xanh gìn giữ môi trường trong lành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Bên cạnh việc đảm bảo vệ sinh môi trường, nhằm xử lý rác thải nông thôn, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, Hội Nông dân xã Mông Sơn đã tích cực tuyên truyền người dân trong xã chủ động thực hiện mô hình thu gom rác thải tại các thôn phát sinh nhiều rác thải, đặc biệt là rác thải khó phân hủy trong quá trình sản xuất kinh doanh. Với sự vào cuộc nghiêm túc trách nhiệm của chính quyền xã và sự đồng thuận của người dân, việc thực hiện công tác  vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Mông Sơn đã có sự chuyển biến tích cực.

 Nổi bật là người dân đã chủ động tham gia BVMT, chủ động dọn dẹp vệ sinh trong gia đình, đường làng ngõ xóm. Rác và chất thải đã được thu gom và xử lý tập trung nên dần xóa bỏ được các điểm nóng, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Nhiều tuyến đường được trồng hoa đồng bộ, phù hợp với cảnh quan, khuôn viên cơ quan đơn vị, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang dọn dẹp sạch sẽ.

Phát triển các mô hình nông nghiệp xanh

Nông nghiệp xanh tại Yên Bái được thực hiện thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP, hữu cơ… Nhờ đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung tại các địa phương, cụ thể như trồng rau, hoa tại thành phố Yên Bái, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ; trồng quế, chè, măng Bát Độ tại Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; trồng cây ăn quả tại Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn; trồng cây dược liệu tại Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải...

Góp phần vào mục tiêu tạo môi trường sống không chỉ dừng lại ở việc tạo môi trường sống xanh, trồng cây xanh mà người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm sáng tạo áp dụng ngay hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Tiêu biểu là mô hình sử dụng đệm lót sinh học, mô hình khí sinh học. Nổi bật là nhiều nông hộ đã áp dụng kinh tế tuần hoàn kết hợp chăn nuôi và trồng trọt. Chất thải chăn nuôi được tái sử dụng ủ làm phân bón hữu cơ bón lại cho cây trồng vừa tiết kiệm chi phí, vừa BVMT, sức khỏe người lao động, cho hiệu quả kinh tế cao. 

Xã Đào Thịnh hiện có 673ha quế hữu cơ, trung bình mỗi năm xã khai thác khoảng 8ha. Mỗi ha cho thu nhập khoảng 6 đến 8 triệu đồng, cao hơn 10 đến 15% sản phẩm quế thông thường.

 Việc áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ không những đảm bảo sức khỏe cho người  dân mà còn bảo vệ nguồn nước và giúp cho đất không bị bạc màu. Đặc biệt, sản phẩm quế sau khi thu hoạch được các HTX, các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với trước đây. Ông Phạm Văn Tiến- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh cho biết, sản phẩm quế hữu cơ của xã đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo đó, giá trị của quế hữu cơ ngày càng được nâng cao.

 Không chỉ tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên mà nông nghiệp nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang được cơ cấu lại theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh, hướng tới sản phẩm sạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu xen canh dưới tán rừng, xây dựng các sản phẩm nông lâm sản đạt chứng nhận OCOP, hình thành các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP hữu cơ. Qua đó vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp phần BVMT. 

Với nhiều biện pháp đã được triển khai, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực chung tay BVMT vì một thế giới xanh. Đến nay, tỉnh đã thành lập mới 119 mô hình phân loại thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

 Thu Hiền