Thực hiện đồng bộ nhiều chính sách
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Yên Bái chiếm 57,4% dân số, trong đó, dân tộc Tày chiếm 18,28%, dân tộc Mông chiếm 13,03%, dân tộc Dao chiếm 12,32%... Do vậy, tỉnh luôn xác định công tác dân tộc, đầu tư phát triển vùng DTTS và phát huy vai trò của đồng bào các DTTS là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, quan trọng.
Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ IV với chủ đề: "Các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chung sức xây dựng tỉnh Yên Bái, phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” ông Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho hay,
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ IV nêu rõ, giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Yên Bái đã nghiêm túc, kịp thời quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn địa phương;
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc và chính sách dân tộc…
Hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã đề ra, đã có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra (trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt).
Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã tập trung lãnh đạo triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có mặt nổi trội.
Hệ thống hạ tầng vùng DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã quan tâm bố trí trên 32.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp đạt 97,6%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.
Toàn tỉnh hiện có 79,3% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 72% xã có khu thể thao; 966 thôn, tổ dân phố có khu nhà văn hóa từ 200m2 trở lên, 324 tổ dân phố có khu nhà văn hóa dưới 200m2. Vùng đồng bào DTTS&MN có 82 chợ đang hoạt động phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa.
Tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 87,8%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 86,1%. Các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm y tế, Phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số 6.929 giường bệnh bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho người dân. Giai đoạn 2019 - 2024, đã cấp 693.608 thẻ BHYT cho người dân vùng đồng bào DTTS...
Hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận nhanh với các thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường truyền băng rộng cáp quang; mạng di động 4G được phủ sóng trên 98,5% thôn, bản. Hiện nay, tỷ lệ người dân được nghe xem phát thanh, truyền hình đạt 99,4% (đạt mục tiêu Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III)...
Công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng
Cùng với đó, tỉnh quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Giáo dục và đào tạo; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng DTTS đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng.
Từ năm 2019 - 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm 8.617 nhà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai, trong đó có các hộ người DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 giảm bình quân 3,65%/năm, cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16%. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với tổng số hộ DTTS còn 16,4% cuối năm 2023 (giảm bình quân 6,98%/năm).
Công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Tỉnh đã ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; chú trọng phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ du lịch; ban hành 7 đề án trọng tâm trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có 6 đề án liên quan đến phát triển văn hóa - du lịch vùng đồng bào DTTS.
Toàn tỉnh hiện có 139 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp; 510 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS, trong đó, “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESSCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 9 di sản văn hóa được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS được tăng cường.
Công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ trong đồng bào DTTS được đặc biệt chăm lo, có nhiều tiến bộ, thực hiện tốt Đề án 11 “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ giữ chức danh lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở là người DTTS thực sự là những hạt nhân chính trị vô cùng quan trọng trong tuyên truyền, vận động, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được quan tâm, chú trọng, thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề cho vùng đồng bào DTTS và các xã đặc biệt khó khăn từng bước phát triển bền vững…