"Mời mọi người chào bố của Anh Vũ", một chiếc điện thoại dí sát vào mặt người cha đang trong đám tang của đứa con trai qua đời đột ngột.

"Cả nhà có muốn xin chữ ký diễn viên Quốc Thuận không?", người đàn ông vừa chạy vừa níu áo MC Vợ chồng son, mồm không ngừng nói.

"Đây là Kutin, like và chia sẻ liên tục nhé!", đám đông ùa tới, tranh nhau bẹo má diễn viên nhí đang cố gắng vào trong lễ viếng người nghệ sĩ cha chú.

Hình ảnh nhóm người ồn ào, không ngừng cười đùa, bình luận phục vụ người xem trên mạng, tương phản với sự đau buồn, tiếng nức nở của người thân, đồng nghiệp bên linh cữu danh hài Anh Vũ khiến nhiều người thở dài đau xót.

Những "đội quân" livestream tương tự có thể xuất hiện bất cứ đâu: trong một tai nạn giao thông thảm khốc, ở một đám cháy có người đang lâm nguy, hiện trường vây bắt nghi phạm của công an, trận ẩu đả sứt đầu mẻ trán trên đường,...

Tất cả chỉ phục vụ một mục đích: có được nhiều lượt views, like và share trên mạng xã hội.

YouTuber livestream o dam tang: Khi nguoi ta lam tat ca de kiem views hinh anh 1
YouTuber livestream o dam tang: Khi nguoi ta lam tat ca de kiem views hinh anh 2
Đội quân livestream xuất hiện tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Livestream bất chấp và điên cuồng

Vài năm trở lại đây, trên các nền tảng mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp hàng loạt chương trình phát sóng trực tiếp, với streamer đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính. Họ có thể làm tất cả, từ trang điểm, nấu ăn, ca hát, chơi game, cho tới những điều điên rồ, khác lạ khác. 

Càng nhiều người xem, views cao, thu nhập càng tăng. Dường như việc kiếm tiền dễ dàng, hiệu quả này thúc đẩy người ta giơ điện thoại lên và nhấn phát trực tiếp trong bất cứ trường hợp nào.

Trước đó, khoảng 10h ngày 11/4, thông tin về đám cháy dữ dội tại KCN Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, Bình Dương) xuất hiện trên mạng, kèm đó là hình ảnh một cô gái bịt kín toàn thân bằng bộ đồ chống nắng màu hồng, tay giơ cao chiếc điện thoại để livestream. Bên cạnh cô, nhiều người đàn ông khác cũng trèo tường, leo rào để quay hình, phát trực tiếp.

Ngày 10/4, liên quan việc Công an TP.HCM điều tra đối tượng Phúc XO, tức Trần Ngọc Phúc (36 tuổi), có liên quan đến tụ điểm bay lắc trên đường Trường Chinh (quận 12), hàng trăm người tập trung trước cửa nhà riêng của người này rất lâu để chụp hình, livestream cảnh sát khám xét nơi đây.

Cảnh tượng tương tự xảy ra khi cơ quan chức năng khám xét quán karaoke của Phúc XO. Dù nửa đêm, nhiều người vẫn miệt mài phát trực tiếp trên các diễn đàn mạng.

YouTuber livestream o dam tang: Khi nguoi ta lam tat ca de kiem views hinh anh 3
Nhiều thanh niên bật điện thoại chụp hình, livestream cảnh sát khám xét nhà riêng của Phúc XO. Ảnh: Lê Quân.

Trước khi bị bắt giữ về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc vào đêm 1/4, Khá Bảnh (tức Ngô Bá Khá, 27 tuổi, ở Bắc Ninh) thường xuyên livestream cảnh ăn nhậu, dạy dỗ đàn em, đi đòi nợ, đốt xe máy... trên kênh YouTube của mình.

Những nội dung không lành mạnh tương tự cũng dễ xem trực tiếp ở kênh của các "giang hồ mạng" như Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng, Phú Lê... và mang về cho những người này lượt view, người theo dõi lớn, thậm chí là thu nhập không hề nhỏ hàng tháng.

Trên các hội, nhóm, diễn đàn, nhiều người bán hàng online cũng thường livestream với phong cách chửi bới, mạt sát khách hàng bằng những lời lẽ thô tục, thậm chí xúc phạm người khác khi họ đưa ra những lời góp ý.

Chưa tới mức vi phạm pháp luật, nhưng không ít người dùng livestream để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Không khó bắt gặp hình ảnh người dân vây kín một tai nạn, trận ẩu đả, thậm chí một thảm họa,... chỉ để livestream.

Thực tế, dù đạt được mục đích là thu hút sự chú ý của đám đông, nhiều trường hợp livestream nội dung không phù hợp và không đúng lúc, đúng chỗ mang lại “cái kết đắng”.

Đầu tháng 2 vừa qua, một gia đình bị phạt 5,5 triệu đồng kèm việc chủ nhân chiếc xe bị tước bằng lái 2 tháng vì hành vi trải bạt trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai ăn uống và livestream trên mạng xã hội.

Tháng 12/2017, nhóm 10 thanh niên ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ bị công an bắt giữ vì dùng hung khí tự chế lên nút giao IC8 cao tốc Nội Bài - Lào Cai để chặn xe tải, taxi, xe khách nhằm xin tiền. Trước đó, nhóm này còn livestream hành động cướp trắng trợn với lời lẽ khiêu khích và xem thường pháp luật.

Trên thực tế, việc truyền nội dung trên internet được tạo ra để người xem được tham gia, tương tác, giao lưu với các streamer. Từ đó tăng trải nghiệm, thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng, thay thế dần các loại hình giải trí truyền thống, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng lớn của người trẻ.

Nhưng việc nhiều cá nhân cố tìm mọi cách để có được nội dung độc, lạ, giật gân nhất trên kênh của mình, dù làm ảnh hưởng tới người khác hay vi phạm pháp luật, mới khiến trào lưu này trở nên lệch lạc.

Và phải tới sự việc các Youtuber chen lấn, huyên náo lấn át cả tiếng khóc, tiếng chuông chùa, tiếng sư thầy và Phật tử đọc kinh, cầu nguyện cho người đã mất ở đám ma của danh hài Anh Vũ mới thấy những streamer này đã khiến việc livestream trở nên kệch cỡm đến thế nào.

YouTuber livestream o dam tang: Khi nguoi ta lam tat ca de kiem views hinh anh 4
YouTuber livestream o dam tang: Khi nguoi ta lam tat ca de kiem views hinh anh 5
YouTuber livestream o dam tang: Khi nguoi ta lam tat ca de kiem views hinh anh 6
Nhóm "dân bay" phát trực tiếp hình ảnh dùng ma túy tập thể tại quán karaoke lên mạng xã hội, nhóm người ngồi giữa cao tốc Nội Bài - Lào Cai livestream, người phụ nữ quay cảnh đám cháy dữ dội tại KCN Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, Bình Dương)... Ảnh cắt từ clip.

Livestream thế nào để văn minh, đúng luật?

Mỗi ngày, mạng xã hội lại xuất hiện hàng triệu video livestream với nội dung khác nhau. Không thể phủ nhận nhờ công cụ này, nhiều sự việc, hành vi sai lệch được phản ánh, qua đó cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, loại hình truyền đạt thông tin trực tiếp này cũng tồn tại mặt trái. Câu hỏi đặt ra là người dùng mạng xã hội nên sử dụng tính năng livestream như thế nào để không đi quá giới hạn đạo đức và pháp luật?

Theo Huffington Post, tại Anh, người dùng mạng xã hội bị cấm livestream các sự kiện thể thao, hòa nhạc hay chương trình truyền hình.

Họ có thể phát trực tiếp ở nơi công cộng như công viên, vỉa hè, trên xe buýt... song sẽ bị xử phạt nếu cố tình quấy rầy hoặc xâm phạm đời tư người khác theo "Luật chống theo dõi".

Tờ Times of India đưa tin cuối tháng 9/2018, Tòa án tối cao Ấn Độ đã cho phép livestream các vụ kiện để người dân tiếp cận thông tin chính xác nhất.

Becca Lewis - tác giả một nghiên cứu về cơ chế vận hành của YouTube - chỉ ra YouTube kiếm tiền từ sự ảnh hưởng đối với mọi người, bất kể kênh mà họ tin tưởng có hại ra sao.

Nền tảng video này và công ty mẹ của nó chấp nhận các nội dung phân biệt chủng tộc, xem thường phụ nữ và quấy rối lưu hành trực tuyến - trong nhiều trường hợp nhằm thu về tiền quảng cáo - miễn là nó không chứa sự xúc phạm lộ liễu.

YouTube cũng thu lợi nhuận trực tiếp từ các tính năng mà khuyến khích content gây sốc trên mạng.

"Các công ty công nghệ gặp vấn đề về kiểm duyệt nội dung mà cơ bản vượt quá khả năng giải quyết của họ. Các ưu đãi tài chính đang vận hành nhằm ưu tiên nội dung và kiếm tiền hơn”, nhà nghiên cứu nói với Washington Post.

YouTuber livestream o dam tang: Khi nguoi ta lam tat ca de kiem views hinh anh 7
 

Có thể thấy, giơ điện thoại lên và nhấn nút phát trực tiếp về một sự việc, hiện tượng thì dễ, song hành động sao cho văn minh, đúng luật lại không đơn giản.

"Trước khi phát trực tiếp, người livestream phải tự đánh giá vấn đề có phù hợp hoặc có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới người xem hay không. Đừng bắt người khác phải xem những nội dung chẳng đâu vào đâu. Người dùng mạng xã hội cũng có quyền báo cáo (report) các video phát trực tiếp nếu cảm thấy chúng phản cảm, thiếu văn hóa", Nguyễn Phương Phương - quản lý một diễn đàn kiến thức trên Facebook - nói.

Một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về mạng xã hội chia sẻ với Zing.vn, các streamer phải là người chủ động lựa chọn nội dung tốt, phù hợp, đảm bảo tính chính xác, trung thực để chia sẻ. 

"Không thể biến mạng xã hội thành một cái nồi lẩu thập cảm, ai muốn nói gì, làm gì, hành động ra sao cũng được. Đừng nhân danh 'tự do ngôn luận' để xúc phạm, bội nhọ, làm tổn thương người khác", người này nói.

Chính người livestream phải hiểu việc phát trực tiếp này đang ảnh hưởng tới ai, có trái đạo đức, vi phạm pháp luật hay không.

Ngược lại, người xem cũng phải lọc nội dung phù hợp để xem. Các trang đưa thông tin sai lệch, làm phiền, xúc phạm,... thì không nên theo dõi. 

"Nếu bạn không tò mò, chủ động xem người ta làm trò thì chẳng ai bắt được bạn. Không kiểm soát được người khác thì phải kiềm chế chính mình. Tự đặt câu hỏi: Cái này có ích gì không, có làm hại ai không, có đáng xem không?. Đừng nói rằng mạng xã hội có gì là xem cái đó, cần phải lựa chọn, xem xét.

'Đội quân' livestream cần like, share, views, đừng cho họ. Nếu mỗi người đều nói 'không' với những thứ phản cảm thì sự thờ ơ, tẩy chay sẽ trở thành vũ khi mạnh nhất".

Cuối cùng, theo anh, các nền tảng mạng xã hội như YouTube hay Facebook cũng cần kiểm soát nội dung được phát trực tiếp trên nền tảng của mình, cụ thể là quy định từ cơ quan nhà nước để "tuýt còi" những hành vi sai trái, hoặc cảnh báo với thông tin nhảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục.