Để có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho cả gia đình hàng ngày, nhiều bà nội trợ đã và đang áp dụng kiểu trồng rau "Thạch Sanh" khi chỉ phải mua rau một lần và biết cách tận dụng thì chúng sẽ "vừa vơi lại tự đầy" giống nồi cơm Thạch Sanh.
Không những tiết kiệm được một khoản kha khá khi đi chợ mà bạn còn có thể tạo thêm được những không gian xanh trong ngôi nhà của mình khi cùng Ngon Sạch Lạ bắt tay thử trồng 10 loại rau củ dưới đây:
1. Cần tây
Rau cần tây được xem như một loại rau sạch, thơm ngon. Trong thời tiết lạnh của mùa đông, cần tây trồng kiểu "Thạch Sanh" sẽ càng lên nhanh và khỏe.
Dù bạn là người khéo léo hay vụng về thì cũng đừng lo lắng, bởi với cách trồng rau cần tây thủy thổ canh kết hợp mà Ngon Sạch Lạ sẽ hướng dẫn bạn thì ai cũng có thể làm theo dễ dàng.
Thay vì vứt bỏ phần gốc của những cây cần tây đã sử dụng, bạn hãy giữ lại, rửa sạch và đặt chúng vào trong một chiếc cốc hoặc bát, rồi để gần hoặc trên cửa sổ đầy đủ ánh nắng.
Dù bạn trồng cần tây vào mùa lạnh hay mùa nóng, trong nhà hay ngoài trời thì yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ nước tưới cho cây phát triển.
2. Cà rốt
Thay vì cắt bỏ đi phần củ cà rốt, bạn hoàn toàn có thể nhúng chúng trong một chiếc cốc lớn hoặc một chiếc khay có nước và đặt ở những nơi thoáng mát, có ánh sáng mặt trời như ở cửa sổ nhà bếp chẳng hạn.
Điều bất ngờ sẽ xảy ra sau một thời gian, củ cà rốt sẽ mọc lên cây con và bạn có thể sử dụng để chế biến những món salad ngon tuyệt.
3. Húng quế
Để trồng húng quế "Thạch Sanh", bạn cần dùng kéo cắt một cọng húng quế dài khoảng 10cm, cho cọng này vào một cốc nước đầy và đặt chúng ra ngoài ánh sáng tự nhiên. Nước trong cốc cần thay hàng ngày. Bạn sẽ thấy vài hôm sau rễ sẽ mọc ra.
Khi nào rễ được khoảng 5cm bạn có thể trồng chúng ra đất và sử dụng lâu dài. Lưu ý bạn nên tưới nước đều đặn khi trồng ra chậu đất và cho chúng "tắm nắng" mỗi ngày.
Với cách trồng này, bạn sẽ có được những chậu rau sạch và tươi tốt sử dụng cho những bữa ăn hàng ngày.
4. Rau cải chíp
Cách đơn giản là bạn giữ lại phần gốc của rau cải chíp và khoảng 2cm phần thân sát gốc, cho chúng vào bát nước ngập khoảng 2/3, sau đó chúng sẽ lớn lên.
Trong 1 hoặc 2 tuần, bạn có thể cho chúng ra đất để chúng phát triển toàn diện hơn. Một thời gian ngắn sau bạn đã hoàn toàn có thể thu hoạch rau cải chíp cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
5. Rau mùi
Cũng như cần tây hay một số loại rau khác, rau mùi cũng có thể mọc lại từ phần gốc nếu đặt chúng trong những cốc nước. Một khi rễ đủ dài, bạn hãy trồng ra ngoài đất để chúng sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Sau một vài tuần, những chiếc lá rau mùi đầu tiên sẽ mọc lên và một vài tháng sau, bạn đã có thể thu hoạch được chúng.
6. Rau diếp
Cũng giống như các loại rau củ trên, bạn có thể tận dụng thân rau diếp sau khi sử dụng để trồng bằng cách ngâm một đoạn 1 – 2 cm phần gốc của chúng trong bát nước để kích thích ra rễ và mọc lá non (sau khoảng 1 – 2 tuần).
Sau đó, bạn tiến hành trồng chúng vào chậu đất với loại đất tới xốp, đặt ở nơi thoáng khí, có ánh sáng mặt trời và tưới nước đều đặn mỗi ngày. Chỉ sau một thời gian ngắn thôi, bạn sẽ bất ngờ với những chậu rau diếp tươi tốt ngay trong nhà của mình đấy.
7. Hành tây
Với hành tây, cực đơn giản bạn chỉ cần ấn nhẹ phần còn thừa không sử dụng đến nữa của củ cần tây xuống lớp đất, lấp đất kín lại và tưới nước đầy đủ.
Sau một thời gian ngắn, hành tây sẽ nảy mầm và phát triển tươi tốt. Bạn có thể thu hoạch lá hoặc chờ để thu hoạch củ. Đặc biệt, phần lá của hành tây sẽ y chang hành lá đấy. Bạn có thể dùng để tăng gia vị cho các món ăn rất tuyệt.
8. Hành lá
Hành lá là một trong những loại cây gia vị góp mặt thường xuyên nhất trong nhà bếp của hầu hết các gia đình Việt Nam. Để không bao giờ phải lo hết hành mỗi khi cần đến, các bà nội trợ hãy thử áp dụng cách trồng hành lá "Thạch Sanh".
Mua 3 - 4 nhánh hành lá vẫn còn nguyên rễ, cắt lấy thân hành dùng bình thường, chỉ giữ lại một ít củ và phần rễ. Sau đó, cho vào một chiếc ly thủy tinh chứa nước (có thể tận dụng những chiếc ly thủy tinh cũ không dùng tới) và đặt ở nơi có nhiều ánh sáng. Chỉ vài ngày sau, chỗ củ hành đã bị cắt mất phần thân sẽ bắt đầu mọc ra xanh tươi hơn.
Cứ thế, chỉ cần cắt phần ngọn cần dùng và để lại gốc hành trong ly nước. Một thời gian sau sẽ có lứa hành mới để ăn.
9. Tỏi
Với những củ tỏi đã mọc mầm, bạn đừng vội vứt chúng đi mà hãy cho chúng vào một cốc nước và chúng sẽ phát triển thành cây.
Bạn hãy lấy những củ tỏi đã bắt đầu mọc mầm, cho vào bát hoặc cốc, đổ nước ngập qua rễ một chút và đặt chúng ra cửa sổ. Lưu ý là không nên đổ quá nhiều nước nếu bạn không muốn tỏi bị úng và hỏng.
Các tép tỏi sẽ bắt đầu mọc rễ rất nhanh sau một vài ngày. Bạn có thể thu hoạch những mầm tỏi khi chúng lên khoảng 6-7cm. Khi thu hoạch, bạn chỉ cần dùng kéo và cắt mầm ra là được. Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng tỏi xuống đất, tỏi sẽ lớn rất nhanh và bạn cứ thu hoạch mầm giống như trên hoặc để lâu cho chúng ra thêm nhánh.
10. Gừng
Gừng trồng không hề khó, bạn hoàn toàn có thể tự mình trồng một vài cây gừng trong nhà một cách đơn giản và dễ dàng khi làm theo cách dưới đây nhé.
Nếu bạn thấy những củ gừng bắt đầu héo rũ thì đừng vội vứt đi mà hãy gieo chúng vào đất hoặc vào chậu. Không nhất thiết phải trồng chúng trong đất quá sâu, bạn chỉ cân chăm chỉ tưới nước thường xuyên cho cây, giữ cho đất ẩm ướt và để ở nơi có nhiều ánh sáng.Tuy nhiên so với những loại cây ở trên thì gừng hơi chậm phát triển hơn, sẽ mất vài tháng để chúng nảy mầm và sau khoảng 8-10 tháng bạn mới có thể thu hoạch được.
(Theo Dân Việt)